Triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, dịch đã xuất hiện tại một số tỉnh khu vực phía Nam - khu vực có rất nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để kiểm soát tốt dịch bệnh, rất cần sự chung sức chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP của cả người dân, doanh nghiệp, địa phương... Các địa phương phải sát sao hơn nữa, rà soát lại toàn bộ tình hình dịch bệnh để có phương án hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân hiểu được mức nguy hiểm của bệnh dịch này, tránh tình trạng vứt xác lợn bệnh ra môi trường, không bán tháo lợn bệnh...
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và những tồn tại trong công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tất cả từ người dân đến chính quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt mới có thể dập được dịch. Người đứng đầu chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra DTLCP. Cùng với đó, địa phương phải chủ động có những chính sách kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi; đồng thời hướng dẫn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong công tác vệ sinh, tiêu độc...
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, biện pháp được coi là hữu hiệu nhất lúc này chính là an toàn sinh học. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang áp dụng rất nghiêm ngặt biện pháp này nên dịch bệnh không xảy ra tại các cơ sở này.
Không để thiếu hụt thịt lợn
Để bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống để phục vụ cho việc tái đàn sau khi bệnh DTLCP được khống chế, mới đây, Bộ NN&PTNT đã triệu tập một cuộc họp với các cơ sở đang có đàn lợn giống cụ, kỵ để nâng cấp hệ thống an toàn sinh học; đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống này để phục vụ cho việc tái đàn sau khi dịch bệnh được khống chế.
Theo ông Phùng Đức Tiến, hiện nay, thịt lợn chiếm khoảng 70% trên tổng số các loại thực phẩm cung cấp trên thị trường. Nếu số lượng lợn bị tiêu huỷ tiếp tục tăng, trong khi chưa thể tái đàn ngay được thì chắc chắn nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có yêu cầu các địa phương sắp xếp lại các cơ sở giết mổ. Đối với các cơ sở giết mổ đủ điều kiện thì ngay cả trong vùng có dịch thì vẫn tiếp tục cho hoạt động nhưng phải đảm bảo được rằng, lợn đưa vào giết mổ phải âm tính đối với vi rút DTLCP; đồng thời phải vận chuyển bằng xe chuyên dùng... trước khi bán sản phẩm thịt lợn ra thị trường cũng phải tổ chức xét nghiệm lại một lần nữa cho chắc chắn là âm tính với vi rút DTLCP.
Một giải pháp khác là hỗ trợ cho doanh nghiệp có kho lạnh tổ chức thu mua và giết mổ rồi trữ đông nhằm bình ổn giá sau này. Chính quyền và người dân Đồng Nai đang đề nghị các doanh nghiệp chế biến cùng địa phương này triển khai giải pháp này khi phát hiện dịch. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, việc giết mổ, cấp đông thịt lợn sẽ giúp giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo thu mua hiệu quả, các doanh nghiệp tham gia cấp đông thịt lợn phải là doanh nghiệp có kho cấp đông lớn và có nhiệt độ âm sâu. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo các điều kiện kiểm tra lợn sạch trước khi đưa vào giết mổ.
Các kịch bản đảm bảo nguồn cung thịt lợn sạch kể trên có vẫn chưa thể tính đến dịch bệnh tiếp tục tăng trên diện rộng. Vì lẽ đó, trước mắt để giải quyết những khó khăn cho người chăn nuôi một cách cấp thiết nhất vẫn là tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn sạch.
Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng thịt lợn an toàn:
- Chỉ nên mua thực phẩm từ các nguồn hàng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại các điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm soát đầy đủ theo quy định.
- Thực phẩm cần phải được nấu chín, không ăn các món tái, tiết canh, tuyệt đối không sử dụng thịt đã biến chất, ôi hỏng để chế biến thức ăn. - Các loại thịt còn tươi ngon phải có màu sắc và mùi đặc trưng, không có mùi hôi, mùi lạ, bề mặt khô ráo không rỉ nước, có độ đàn hồi tốt (khi ấn ngón tay vào bề mặt miếng thịt lúc bỏ ngón tay ra thì vết lõm nhanh chóng mất đi). Không nên mua thịt có những dấu hiệu bất thường, khác lạ.
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, lớp mỡ dày (1.5- 2cm), không rỉ nước. Thịt lợn chứa hormone tăng trưởng, tạo nạc có lớp da mỏng, căng khác thường, phần nạc gần sát với da, mỡ rất ít và màu sắc sẫm hơn thịt bình thường. Khi chế biến, thịt ra nhiều nước, mùi vị không thơm đặc trưng của thịt lợn, nấu chín thì màu sắc lại nhợt nhạt.
- Người tiêu dùng có thể phân biệt được thịt lợn có nhiễm sán hay không qua nhìn vào những cơ vận động nhiều như cơ gốc lưỡi, phần thịt cơ đùi. Khi mua thịt về, nếu nhận thấy thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó chính là thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Đồng thời, nếu nhận thấy trong thớ thịt có hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt gạo, màu trắng hoặc ngà ngà xám nằm song song với thớ thịt thì đó là thịt đã bị nhiễm sán.