Phòng dịch từ xa
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh, từ khi tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn ra trên nhiều tỉnh, thành và tiếp tục lây lan, UBND thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về phương án phòng, chống và xử lý kịp thời nếu xảy ra dịch bệnh này trên địa bàn. Cùng với đó, các sở, ngành thành phố đều thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cụ thể.
Đặc biệt, xác định việc phòng, chống và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến dịch tả lợn châu Phi vừa khẩn cấp vừa lâu dài, ông Lê Thanh Liêm cho biết, các sở, ngành thành phố cần chú trọng trong triển khai các giải pháp, không để người dân hoang mang. Ngoài ra, UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra giết mổ trái phép, quản lý an toàn thực phẩm lỏng lẻo… gây ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh.
Trước bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng đang diễn ra tại một số tỉnh, thành cung cấp nguồn cung, sản phẩm cho thành phố, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa ngõ, địa bàn giáp ranh… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm như phân phối, tiêu thụ, vứt bỏ xác động vật gây lây lan mầm bệnh xâm nhập vào thành phố.
Để kiểm soát nguồn cung thịt lợn cung ứng, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn thành phố, các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường lấy mẫu giám sát dịch lợn tả châu Phi từ các tỉnh, thành nhập vào thành phố. Hiện nay, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố như tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh đi Trung Lương, Tiền Giang, tuyến đường Trần Văn Giàu, khu vực cầu Phú Long (qua Bình Dương)… Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành có nguồn cung ứng thịt lợn vào Tp. Hồ Chí Minh để xác minh, quản lý khâu vận chuyển, giết mổ, phân phối, tiêu thụ…
Với chủ trương chủ động phòng, chống và ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch khoanh vùng ổ bệnh nếu xảy ra dịch bệnh. Do vậy, khi phát hiện vùng dịch bệnh, cơ quan quản lý thành phố sẽ khẩn trương thực hiện giải pháp tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo. Trong trường hợp, phát hiện tình trạng nghi nhiễm bệnh sẽ theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Riêng đối với hộ chăn nuôi lợn không có triệu chứng lâm sàng trong khu vực liền kề địa điểm có dịch, bên ngoài bán kính 3km, cơ quan quản lý Tp. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tiêu độc khử ngày 2 ngày/lần liên tục trong thời gian chống dịch. Còn đối với đàn lợn đến tuổi xuất chuồng đăng ký với Hội nông dân xã tổng hợp cung cấp danh sách cho Chi cục Chăn nuôi Thú y hướng dẫn tiêu thụ.
Thống kê tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn ước đạt 278.882 con, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước. Do giá thịt lợn hơi trên thị trường vẫn đang ở mức thấp, người nuôi chưa phục hồi tổng đàn. Thành phố cũng có 11 cơ sở giết mổ lợn với lượng giết mổ mỗi đêm 6.500 - 7.000 con. Từ ngày 25/2 đến nay, cơ sở giết mổ tại thành phố đã không tiếp nhận nguồn thịt lợn từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào Tp. Hồ Chí Minh. Đồng thời, không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ những cơ sở giết mổ thuộc vùng có dịch lợn tả châu Phi, tăng cường kiểm tra đối với cơ sở giết mổ tại vùng tiếp giáp có xuất nguồn thịt lợn về Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Cùng với đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã đẩy mạnh đa dạng hoạt động tuyên truyền và cập nhật thông tin, nhằm khuyến khích người dân chủ động theo dõi, phát hiện và thực hiện tiêu độc khử trùng hạn chế dịch bệnh lây lan. Tính đến thời điểm này, tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai phát hơn 4.000 tờ rơi cung cấp thông tin, dấu hiệu nhận biết và hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Kiểm soát chặt nguồn cung
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài những giải pháp phòng, chống và xử lý tại khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển… thì kiểm tra khâu phân phối, tiêu thụ và nâng cao nhận thức người dân cũng quan trọng không kém.
Đáng lưu ý, những đơn vị liên quan, gồm: sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà bán lẻ, ban quản lý chợ… cần thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Mặt khác, người tiêu dùng nên ủng hộ lợn “sạch” qua việc mua ở những địa điểm kinh doanh uy tín và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng nguồn cung thịt lợn an toàn thực phẩm, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện đang phối hợp cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý chất lượng thịt lợn. Saigon Co.op cũng phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến thời điểm này, ghi nhận tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 50 tấn/ngày và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung thịt lợn đang kinh doanh tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối như Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng đều đạt chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cũng như đang được nuôi tại các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt.
Tương tự, tại các hệ thống bán lẻ khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Big C, LOTTE Mart, Vinmart+… cũng chủ động thông tin đến người tiêu dùng và đảm bảo nguồn cung thịt lợn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng. Những đơn vị liên quan và thuộc chuỗi cung ứng – tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quy trình nhập lợn tại các đầu mối, thương lái. Đồng thời, duy trì tổ chức lấy mẫu tại cơ sở chăn nuôi, chợ đầu mối và triển khai đồng loạt biện pháp tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm lấn hay bùng phát trên địa bàn.