TP Hồ Chí Minh: Giá cả tăng theo giá xăng

Sau nhiều lần giá xăng tăng liên tiếp, giá cả nhiều loại thực phẩm trên thị trường bán lẻ TP Hồ Chí Minh cũng tăng theo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đang cân nhắc việc tăng giá, bởi không tăng thì sẽ phải bù lỗ, nhưng tăng thì sợ mất khách.

 

Chợ lẻ “làm giá”


Sau khi giá xăng tăng thêm 650 đồng/lít (xăng A92) trong tuần cuối tháng 8, thì ngay đầu tháng 9, các hãng gas trong nước cũng tăng giá bán lẻ gas thêm 4.250 đồng/kg, tương ứng với mức tăng 51.000 đồng/bình 12 kg.

 

Giá cả thực phẩm đang “nhảy múa” theo giá xăng dầu.

 

Chính sự tác động này, đã kéo theo việc tăng giá bán ở các chợ lẻ từ 5-10%. Mặc dù theo các nhà quản lí, sức mua trên thị trường đang giảm, cộng với việc đang vào mùa lũ nên thực phẩm chạy lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dồn về nhiều khiến giá cả tại các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đang giảm.


Tuy nhiên, có thể thấy việc tăng giá các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng trong thời gian qua một phần do chi phí đầu vào tăng nhưng phần lớn lại “té nước theo mưa” và “bị làm giá”. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết: “Lượng hàng về chợ thời gian qua ổn định ở mức cao với hơn 3.300 tấn/đêm, nhưng do xăng tăng giá nên giá rau củ tăng nhẹ. Đến thời điểm này, đa số giá mặt hàng rau củ đã giảm và đang giữ ở mức ổn định”. Hiện các loại rau củ về chợ có giá thấp, chẳng hạn bí đao, bầu chỉ 4.000 đồng/kg, cà chua 6.000 đồng/kg, dưa leo 7.000 đồng/kg… nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì các loại này lại lên đến trên 10.000 đồng/kg.

 

Cước vận tải rục rịch tăng


Giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng thêm 5 -10%.


Tại bến xe Miền Tây, hiện có 10 doanh nghiệp tăng giá vé thêm 5 - 10%. Trong khi đó tại bến xe Miền Đông, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông, các doanh nghiệp vận tải tại bến chưa có kế hoạch tăng giá vé. “Hiện các doanh nghiệp đang “dòm ngó” và chờ xem động thái của nhau, bởi doanh nghiệp này thấy doanh nghiệp khác chưa tăng nên cũng không dám tăng vì sợ mất khách. Tuy nhiên, đến một mức nào đó, các doanh nghiệp không chịu nổi thì họ sẽ tăng. Thực tế, cũng đã có 3 - 4 doanh nghiệp tăng giá vé 5 - 10% nhưng con số này rất nhỏ so với hơn 200 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến” - ông Hải cho biết.


Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp taxi đang “đau đầu” trước bài toán điều chỉnh giá vì nếu không tăng sẽ phải bù lỗ, còn tăng nữa sẽ ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, các hãng taxi bị “lên án” vì đẩy giá lên theo giá xăng nhưng đó là chi phí cơ bản buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh. Trong điều kiện giá xăng tăng liên tục như hiện nay, các hãng taxi cũng “chóng mặt”, không biết sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Với các hãng taxi, mỗi lần điều chỉnh giá là phải kiểm định lại xe với chi phí không nhỏ. Đối với kinh doanh vận tải nói chung cũng vậy, để điều chỉnh ngay giá cước vận tải là điều không dễ dàng vì hầu hết các doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước đó, muốn điều chỉnh phải thương thảo với khách hàng. Do đó, trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, các hãng taxi vẫn chưa đưa ra mức tăng giá mới.


H. Tuyết - Đ. Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN