Lâm Đồng đảm bảo nguồn hàng
Là tỉnh cung cấp rau, củ, quả… chủ lực cho TP Hồ Chí Minh, chiếm tới 70-80%, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng thực phẩm tươi sống phải đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá và đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết nguyên đán 2023.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, những ngày này, các nhà vườn trồng rau, củ quả… tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng đang tấp nập chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, Lâm Đồng cho biết, để phục vụ thị trường Tết 2023, hiện nay đơn vị có hơn 30 loại rau, mỗi loại có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, tập trung lại có hơn 80 mã hàng hóa. Trong đó, có trên 70% sản lượng rau đến các siêu thị, nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ; khoảng 10-15% xuất khẩu và phần còn lại bán ra thị trường truyền thống. Nguồn giống của đơn vị được bảo đảm với giống thuần do Công ty tự sản xuất, giống rau củ có nguồn cung từ trong nước, các giống rau lai hoặc rau cao cấp hầu như nhập khẩu và chiếm tới 70%; tất cả sản phẩm rau củ quả đã đạt chất lượng Vietgap.
“Hiện nay, Phong Thúy liên kết với 30 hộ nông dân ở Đức Trọng, Đơn Dương và Đà Lạt với sản lượng tiêu thụ lên tới 4 - 5 ngàn tấn rau, củ, quả/năm. Đối với TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đơn vị xuất đi hàng chục tấn nông sản đa dạng về chủng loại và kích cỡ khác nhau về thành phố. Riêng dịp Tết 2023, đơn vị cũng đảm bảo nguồn hàng bình ổn giá và dồi dào để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm Tết của người TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Hồng Phong nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Liên hiệp HTX Thương mại cho biết, hiện nay nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết đã được triển khai trên toàn hệ thống. Trong đó, các mặt hàng rau, củ quả luôn được đảm bảo dồi dào và được thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân, hợp tác xã tại tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây… Trong đó, để phục vụ thị trường Tết 2023, Saigon Co.op đã tăng lượng thực phẩm tươi sống, rau củ quả gấp đôi lượng thông thường để hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile… phục vụ tốt mùa mua sắm cao điểm tết. Ngoài ra, các mặt hàng bình ổn giá như rau củ, quả Đà Lạt (Lâm Đồng) được tăng dự trữ từ 10-50% so với ngày thường và được đơn vị áp dụng giảm giá khuyến mãi liên tục hàng ngày từ nay đến Tết nguyên đán.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, từ cuối tuần qua, sức mua của hệ thống đã tăng gấp đôi so với ngày thường, có những nơi tăng gấp 3 trở lên. Khách hàng chủ yếu lựa chọn những sản phẩm Tết như thịt heo, thịt gà, gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô, chocolate, rau củ quả … và các mặt hàng tẩy rửa, trang trí nhà cửa. Dự đoán, sức mua tiếp tục ở mức cao từ nay đến cận Tết do siêu thị bắt đầu tung những chương trình khuyến mãi trọng điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng Tết
Liên quan đến các mặt hàng cung ứng cho thị trường Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho khoảng 12 triệu người và đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh với mức tăng khoảng từ 15-30% so với bình thường, đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết dồi dào. Ngoài ra, nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.
Ghi nhận tại các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống Saigon Co.op hiện đang triển khai Chương trình “Khai Tết xanh – Gieo lộc Lành”, đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây….
Trong khi đó, hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết với tổng giá trị lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2022, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và tươi sống, hàng bánh kẹo và giải khát…. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy – Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.
Các hệ thống khác như Go/Top Market; Bách Hóa Xanh; MM Mega Market; Emart; Satra; Wincommerce; Gigamall; FPT, Nguyễn Kim… cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại Tết, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết.
Hiện nay, các mặt hàng lương thực thực phẩm về TP Hồ Chí Minh thông qua nhiều kênh nhưng có hai nhóm chính là qua các kênh phân phối hiện đại, các trung tâm thương mại và siêu thị chiếm từ khoảng từ 25-30%, kênh còn lại qua các vựa hàng, các chợ đầu mối và chợ truyền thống chiếm khoảng 70%. Hàng đêm, qua 3 chợ đầu mối chính có khoảng 7.200 tấn lương thực, thực phẩm được đưa về TP Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đầu vào siêu thị, cửa hàng, chợ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Ngoài ra, Sở cũng sẽ thường xuyên làm việc với chuỗi hệ thống phân phối và sản xuất để nhắc nhở về việc cung ứng sản phẩm, đảm bảo Tết an toàn, vui tươi.