Đứng đầu danh sách nợ thuế lớn nhất đợt này là công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil với 373 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có số thuế nợ trên 200 tỷ đồng là: công ty TNHH MTV Cây trồng TP Hồ Chí Minh (nợ hơn 234 tỷ đồng), công ty cổ phần Cảng Phú Định (nợ 222 tỷ đồng), công ty cổ phần Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành (nợ 221 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp nợ trên 100 tỷ đồng bao gồm: công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy (nợ 180 tỷ) đồng, công ty cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt (nợ 168 tỷ đồng), công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ nợ 136 tỷ đồng; Chi nhánh công ty Đá xây dựng Bình Dương tại TP Hồ Chí Minh (nợ 130 tỷ đồng); công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo còn nợ 121 tỷ đồng; công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ nợ gần 116 tỷ đồng; công ty TNHH Thương mại Lô Hội nợ 113 tỷ đồng và công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng nợ 112 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có 10 doanh nghiệp nợ thuế từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng và có 51 công ty nợ thuế từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng và đa phần còn lại nợ từ 1 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng…
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết so với danh sách nợ thuế kỳ 1 được công bố vào đầu tháng 3, số doanh nghiệp có nợ thuế trong kỳ 2 đã tăng thêm 51 đơn vị và số thuế còn nợ tăng thêm 1.471 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn đang ghi nhận số nợ 13.000 tỷ có khả năng thu.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, 98% doanh nghiệp bị tác động theo nên trong 6 tháng đầu năm, Cục thuế mới chỉ thu được hơn 2.300 tỷ. Điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Do đó, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 290.828 tỷ đồng khó có thể hoàn thành. Theo Cục thuế TP Hồ Chí Minh, nếu từ nay đến cuối năm nền kinh tế không hồi phục ổn định, Cục thuế khả năng chỉ thu được 86% dự toán. Kể cả trong kịch bản tốt nhất là toàn bộ nền kinh tế thế giới mở cửa và hệ thống xuất nhập khẩu trở lại, thành phố cũng chỉ thu được 92% dự toán.