Đây là nội dung được ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh năm 2019 sáng 8/1.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, TP Hồ Chí Minh đã xác định và công bố các loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thành phố, bao gồm: rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh.
Năm 2019, ngành nông nghiệp thành phố đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao là 6%, nâng giá trị sản xuất bình quân từ 502 triệu đồng (2018) lên 550 triệu đồng/ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh sẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, mía, cao su kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đặc biệt tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất lượng và năng suất cao, từng bước xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.
Song song đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn và chứng nhận. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu mở rộng diện tích rau quả đạt chứng nhận VietGAP từ 45,5% lên 60% tổng diện tích (12.300 ha), đồng thời nâng tỷ lệ đàn lợn được chứng nhận VietGAP từ 45% lên 47% tổng đàn (131.600 con).
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, TP Hồ Chí Minh cần nhiều hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực quản lý các hợp tác xã như thu hút cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn bằng các ưu đãi cụ thể. Song song đó, phải khuyến khích các hộ nông dân tham gia liên kết, trở thành hội viên của hợp tác xã nhằm đảm bảo việc tổ chức sản xuất đúng quy hoạch, đạt năng suất, chất lượng theo yêu cầu của thị trường.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, nhằm giải quyết bài toán cân đối cung – cầu cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh phải từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng nuôi trồng, diện tích, dự kiến sản lượng thu hoạch từng vụ, năm và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực để cung cấp kịp thời cho người sản xuất. Đồng thời, thành phố thúc đẩy phát triển các khâu sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa nhằm thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào sản xuất, phân phối và xuất khẩu nông sản.
Có như vậy mới đảm bảo ngành nông nghiệp thành phố phát triển bền vững, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nông dân và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành.