Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành thông báo 5344/TB-TCHQ (thay thế Thông báo số 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020), phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 “Đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp (shingles and shakes) áp thuế xuất khẩu 0% với gỗ ghép thanh thay vì 25% như thông báo trước đó.
Tổng cục Hải quan cho biết, xem xét quy trình sản xuất do Công ty Cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường cung cấp thì mặc dù mặt hàng chưa phải sản phẩm với mục đích sử dụng cuối cùng (mặt bàn, cầu thang, ván lót sàn...) nhưng là sản phẩm tấm gỗ đã hoàn chỉnh qua 14 bước bắt đầu từ thanh gỗ. Mặt hàng cũng có thể coi là dùng được ngay đối với sản phẩm gỗ, nhưng để thành sản phẩm với mục đích sử dụng cuối cùng cần trải qua một số công đoạn gia công, chế biến thêm.
Mặt khác, qua phân tích ý kiến của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), xem xét mặt hàng cụ thể được hướng dẫn, mặt hàng tấm gỗ (panel) làm từ các thanh gỗ (kể cả loại đã được ghép theo chiều dọc để làm tăng chiều dài của gỗ như mô tả tại nhóm 44.07), được tiếp tục ghép theo chiều ngang thành các tấm bản lớn bằng keo và lực ghép, bào bốn mặt, quét keo, trà nhám, tế đầu rong cạnh thành tấm gỗ dùng để sản xuất bàn, tủ, giường, cánh tủ...thuộc các nhóm từ 44.18 đến 44.21.
Vụ Chính sách thuế cho rằng, để đảm bảo ổn định chế độ chính sách, trong khi không có sự thay đổi nội dung và phạm vi nhóm 44.18 qua phiên bản HS từ 2007 đến 2017, có thể xem xét áp dụng phân loại mặt hàng của Công ty thuộc nhóm 44.18.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đề nghị phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 tương tự như mặt hàng đã hướng dẫn tại công văn số 9365/BTC-CST.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2015 /TT-BTC, “Trường hợp có ý kiến khác nhau về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế khi áp dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, tiêu chuẩn chuyên ngành, Bộ Tài chính thống nhất với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan để xử lý.
Như vậy, trường hợp mặt hàng Gỗ cao su dạng tấm có ý kiến phân loại khác nhau khi áp dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, chú giải danh mục HS chưa xác định được mã số chính xác cho mặt hàng, căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BTC nêu trên, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 là phù hợp.
Do đó, để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đảm bảo ổn định chế độ chính sách, đối chiếu thông tin tại hồ sơ được cung cấp, thực tế quy trình sản xuất của Công ty, Tổng cục Hải quan đã quyết định áp dụng mã HS 4418 đối với mặt hàng ván ghép thanh của Công ty Mộc Cát Tường, là “đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xếp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp (shingles and shakes)”… tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường đăng ký tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Biên Hòa - Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đối với mặt hàng có tên khai báo “Ván gỗ cao su ghép - Rubber Wood Finger Joint Laminated Panels dày 44mm x rộng 1100mm x dài 4500mm#&VN”, mã số khai báo 4412.99.90 và mức thuế suất xuất là 0%
Sau đó, Tổng cục Hải quan ban hành Thông báo kết quả phân loại số 4250/TB-TCHQ. Theo đó, mặt hàng có kết quả phân tích là “Gỗ cao su dạng tấm, đã bào, đã chà nhám, kích cỡ (44 x 1100 x 4500)mm, được ghép ngang từ các thanh đã ghép nối đầu. Tấm chưa sử dụng được ngay, phải qua gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bàn, cầu thang..., tùy thuộc vào mục đích sử dụng”, mã số 4407.29.97.90 và mức thuế suất xuất là 25%.
Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị hủy bỏ Thông báo số 4250/TB-TCHQ và phân loại mặt hàng Ván gỗ cao su ghép thuộc mã số 4418.
Đầu tháng 8, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) thành lập đoàn công tác, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức đối thoại với Công ty, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường cho biết, sản phẩm gỗ đã trải qua 14 công đoạn chế biến (nhập kho nguyên liệu đã qua phân loại; cắt; bào hai mặt; bào hai cạnh; phân loại chất lượng phôi; lựa màu; đánh mộng; ghép dọc; bào cạnh; ghép ngang; cắt ván; chà nhám; kiểm tra chất lượng; đóng gói theo yêu cầu của khách hàng)
Tuy nhiên, công ty không làm rõ được mức độ gia công mặt hàng vượt quá phạm vi nêu trên của nhóm 44.07. Do vậy chưa loại trừ được kết luận phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.07 như tại Thông báo số 4250/TB-TCHQ của Tổng cục Hải quan.
Đối với đề nghị của Công ty xem xét phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ nội dung nhóm: “Đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả panel gỗ có lõi xốp, panel lát sàn và ván lợp đã lắp ghép” thì chưa đủ cơ sở để xác định mục đích dùng trong xây dựng của mặt hàng để xem xét phân loại vào nhóm 44.18.
Theo chú giải chi tiết nhóm 44.18 thì các sản phẩm thuộc nhóm 44.18 phải đáp ứng điều kiện là cấu thành cấu kiện gỗ, dưới dạng hàng hoá đã lắp ráp hay có thể nhận dạng các phần chưa lắp ráp thông qua các chi tiết đã được gia công như mộng, lỗ mộng, các dạng mộng tương tự để lắp ráp.
Mặt hàng xem xét ở dạng tấm panel phẳng, dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, chưa nhận dạng được các phần chưa lắp ráp trong một cấu kiện gỗ, cần gia công, chế biến thêm để phù hợp với mục đích sử dụng cụ thể. Do vậy, mặt hàng chưa đủ cơ sở phân loại thuộc nhóm 44.18 như ý kiến của doanh nghiệp.
Song, công ty có ý kiến đây là mặt hàng gỗ cao su do nông dân trồng, được khai thác sau khi lấy mủ cao su, sản xuất làm gia tăng giá trị sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu, do vậy đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan khẳng định, căn cứ quy trình sản xuất, mặt hàng gỗ cao su dạng tấm chưa đủ cơ sở loại trừ thuộc nhóm 44.07 và chưa đủ cơ sở phân loại thuộc nhóm 44.18 như đề nghị của doanh nghiệp.
Nhưng nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp và tránh việc ách tắc hàng hóa, sau buổi đối thoại, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục cho phép Công ty Cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường được phép xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%. Nhưng doanh nghiệp phải cam kết sẽ thực hiện quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.