Theo đó, dự án BOT Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 279,5 tỷ đồng; Vốn vay ngân hàng và vốn khác 1.180,5 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự án là 20 năm 6 tháng 19 ngày.
Thực hiện Quyết định 1626/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2016 của Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư đã tổ chức thực hiện thu phí hoàn vốn dự án từ 1/6/2016. Tuy nhiên, đến nay, trải qua hơn 3 năm thu phí, doanh thu thu phí của dự án giảm sâu so với phương án tài chính đã ký trong hợp đồng BOT do những thay đổi về cơ chế, chính sách từ phía cơ quan nhà nước.
Cụ thể, ngày 15/9/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 146/2015/TT-BTC về giảm giá phí so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính.
“Kể từ ngày 1/6/2016 khi dự án thu phí, mức phí theo quy định tại Thông tư 146/2015/TT-BTC thấp hơn nhiều so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC là nguyên nhân phá vỡ phương án tài chính ban đầu của hợp đồng BOT”, đại diện Tổng công ty 36 cho biết.
Tiếp đến, ngày 12/9/2016, Bộ Tài chính lại ban hành Thông tư 136/2016/TT-BTC quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015. Một lần nữa, doanh thu từ việc thu phí của dự án BOT Quốc lộ 19 tiếp tục giảm thêm khoảng 14 tỷ đồng (tính đến 30/9/2018).
Theo điều khoản phụ lục hợp đồng BOT, mỗi năm dự án tăng giá thu phí 3% và 3 năm tăng giá một lần tương đương 9%. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm thu phí dự án vẫn chưa được tăng giá vé do yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, doanh nghiệp dự án còn phải ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, khiến dự án sụt giảm thêm khoảng 5% doanh thu thu phí.
Đại diện Tổng công ty 36 cho biết thêm, theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Viettinbank, thời hạn cho vay dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày dẫn đến dự án không cân đối được thu chi.
“Những nguyên nhân trên ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu phí hoàn vốn của dự án. Hiện nay, số thu thực tế không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng”, đại diện nhà đầu tư thông tin và cho biết, từ 1/6/2016 đến 30/5/2019 Công ty mẹ - Tổng công ty 36 đã phải bù đắp thiếu hụt, trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp dự án là Công ty 36.71 số tiền 92 tỷ đồng. Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong các năm 2016, 2017, 2018 khoảng 65 tỷ đồng, số tiền mà Tổng công ty 36 đang phải gánh lãi, bù lỗ tại dự án BOT Quốc lộ 19 lên tới 157 tỷ đồng.
Theo đại diện nhà đầu tư, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa (tháng 12/2019), Quốc lộ 19 sẽ hết thời gian bảo hành và doanh nghiệp dự án sẽ phải duy tu bảo dưỡng tuyến đường theo hợp đồng BOT đã được ký kết; trong đó năm 2019, kinh phí trung tu dự án khoảng 35,83 tỷ đồng; Năm 2027, kinh phí đại tu khoảng 371,97 tỷ đồng và năm 2035, kinh phí trung tu khoảng 57,49 tỷ đồng.
“Cho đến ngày 30/5/2019, nhà đầu tư đã lỗ và bù đắp thiếu hụt trả ngân hàng 157 tỷ đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi không biết lấy nguồn tiền ở đâu để duy tu bảo dưỡng tuyến đường”, đại diện nhà đầu tư dự án chia sẻ và cho biết, việc thực hiện trung tu, đại tu tuyến đường phục vụ giao thông và việc tăng phí (mỗi năm tăng giá thu phí 3%, 3 năm tăng giá một lần tương đương 9%) đều là các điều khoản của hợp đồng BOT đã được ký kết, các bên phải thực hiện.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng. Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng.