Theo ông Phan Đức Hiếu, cách tiếp cận của luật này chưa rõ, vẫn còn nhiều khái niệm, nội hàm các quy định không thống nhất, không tương thích trong phạm vi nội dung của luật và với các luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán...
Doanh nghiệp nhà nước không phải là doanh nghiệp bình thường, bị giới hạn phạm vi kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp khi được thành lập. Nhưng điều này không có nghĩa doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những quyền như quy định tại Điều 12, như là tuân thủ quy định của pháp luật; tự chủ, chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chiến lược, kế hoạch và mục tiêu được giao; báo cáo, giải trình kịp thời, đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; chấp hành nội dung giám sát, kiểm tra... Ngay cả quy định của quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Điều 8, quy định về đầu tư vốn cũng không đúng.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng tại dự thảo Luật chưa bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện; nội dung của dự thảo Luật còn nhiều nội dung phải được rà soát, làm rõ, thống nhất trong phạm vi của luật; chưa bảo đảm tính đồng bộ với quy định khác của pháp luật có liên quan; chưa bảo đảm tính kế thừa đối với những nội dung quy định tại Luật số 69/2014/QH13 còn giá trị thực tiễn.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, những ví dụ cho các nhận định trên rất nhiều, ở ngay các nội dung có ý nghĩa "then chốt". Ví như, chưa làm rõ nội hàm "vốn nhà nước", "vốn của doanh nghiệp", "vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp" dẫn tới chưa phân tách rõ vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Nội hàm "quản lý nhà nước" chưa được quy định rõ ràng, thống nhất, không thể hiện được nội dung cơ bản của quản lý nhà nước là gì và chưa thể hiện nguyên tắc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu và quản trị doanh nghiệp, có thể dẫn đến những khó khăn, vướng mắc khi triển khai…
Đặc biệt, ông Hiếu bày tỏ lo ngại khi đọc nội dung về giám sát, kiểm tra, thanh tra quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. "Tôi cho rằng, thanh tra, kiểm tra chỉ là công cụ, còn mục tiêu là Chính phủ phải nắm được tình hình hoạt động, hiệu quả ra sao, đang đầu tư gì, như thế nào chứ không phải là thanh tra, kiểm tra việc ban hành chính sách pháp luật về đầu tư vốn, quyết định chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp…", ông Hiếu nhấn mạnh.
Luật này tập trung quy định về quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây là thời điểm quan trọng thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chuyên môn của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Việc luật hóa, thiết kế rõ cơ chế để cơ quan này nâng cao năng lực (thuê nhân lực chất lượng cao); năng lực vật chất (thiết lập quỹ đầu tư)…
Luật này cần làm rõ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, tránh giám sát theo quy trình, theo cơ học như hiện nay, thay vào đó là giám sát theo kết quả đầu ra và đánh gia hiệu quả tổng hợp.
Đặc biệt, chúng ta phải tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Họ phải được tự chủ kinh doanh trong phạm vi ngành nghề họ đã được giao nhiệm vụ. Nếu cần hạn chế riêng doanh nghiệp nhà nước thì quy định cụ thể, chứ không thể có điều ghi quyền, điều ghi cấm. Những gì không có trong đây sẽ được ứng xử thế nào?
Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và trình lại Quốc hội tại kỳ sau cho ý kiến, nếu dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ chất lượng thì mới thông qua.