Trình bày Báo cáo tóm tắt về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) (thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB. Theo đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính-ngân hàng; để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về căn cứ pháp lý, VCB thuộc đối tượng phạm vi được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại quy định tại Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Về thẩm quyền, VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật số 69/2014/QH13, với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Về phương án bổ sung vốn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tỉ lệ vốn an toàn tối thiểu riêng lẻ của VCB tại ngày 31/12/2023 là 11,05%, hợp nhất là 11,39%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 138 Luật Các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vẫn đang là mức thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Với vai trò định hướng là chủ lực, chủ đạo về quy mô thị phần, khả năng điều tiết thị trường, VCB hướng tới mục tiêu đáp ứng tỷ lệ an toàn tối thiểu theo Basel III đến năm 2026 là 13,5%. Theo đó, VCB xác định vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024 - 2026 là 118.166 tỷ đồng cho đến 125.435 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, phát hành trái phiếu, tăng vốn và đầu tư bổ sung vốn từ ngân sách Nhà nước là không khả thi. Do vậy, Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung vốn vào VCB từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia cổ đông Nhà nước từ lợi nhuận còn lại của lũy kế đến năm 2011 và lợi nhuận còn lại của năm 2021 là 20.695 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng thêm là 27.666 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VCB sau khi được tăng vốn sẽ là 83.557 tỷ đồng (vẫn chưa đạt mức tối thiểu).
Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số của VCB và từ đó tạo nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc được tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp VCB phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, cấp tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, phấn đấu nâng tầm vị thế của các ngân hàng Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Căn cứ các nội dung nêu trên và Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại VCB với số tiền 20.695.100.980.000 đồng (hơn 20.695 tỷ đồng) từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB.
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban này nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do như đã nêu trong Tờ trình và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. VCB là một trong các ngân hàng thương mại có quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, uy tín, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại VCB trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Về hình thức văn bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV); nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết như đã nêu tại Tờ trình.