Tôm, cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân tại Khánh Hòa

Từ đầu tháng 3 đến nay, các khu vực nuôi trồng thủy sản thuộc vịnh Cam Ranh (TP Cam Ranh) và đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm) của tỉnh Khánh Hòa liên tục diễn ra tình trạng hải sản chết hàng loạt và trên diện rộng khiến hàng trăm hộ nuôi thủy sản rơi vào cảnh lao đao, có nguy cơ mất trắng.

Tôm hùm bị và chết chưa rõ nguyên nhân của một hộ nuôi ở thành phố Cam Ranh.

Đến chiều 16/3, theo ghi nhận của phóng viên, tại phường Cam Phúc Nam vẫn còn xảy ra tình trạng cá mú chết hàng loạt. Ông Lê Xuân Tùng, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Phúc Nam cho biết, từ ngày 10/3, sau khi nghe tin báo của người dân, Hội nông dân phường đã đã đến tận các ao, đìa nuôi để ghi nhận, tìm hiểu ban đầu, nguyên nhân có thể là do cá bị nhiễm bệnh.

Còn theo người dân, có thể do gần đây nhiều tàu thuyền nạo vét luồn lạch ở vịnh Cam Ranh hút cát và thải nước bùn khiến nguồn nước nuôi của các hộ dân quanh đó bị ảnh hưởng; trong đó hộ của ông Đinh Văn Hưởng là nặng nhất.

Theo lời kể của ông Hưởng, từ đầu tháng 3 đến nay cá trong hồ của ông đã bắt đầu chết, biểu hiện ban đầu của chúng là không di chuyển, tập trung quanh ao nuôi, mắt đục, mang đỏ và chết sau khoảng 5 tiếng. Theo thống kê sơ bộ, 3 đìa nuôi của ông Hưởng chết gần 10.000 con cá mú 10 tháng tuổi, ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm triệu đồng. Nhìn những hố chôn đầy con cá mú chết trắng, ông Hưởng nói. “Bao nhiêu vốn liếng đều đổ cả vào đây, tự nhiên cá gần đến ngày bán, cứ vậy lăn đùng ra chết hết. Dân chúng tôi biết lấy gì trả nợ cho ngân hàng đây”.

Bà Nguyễn Thị Bạc, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết, toàn phường có 22 diện tích nuôi hải sản với khoảng 15 người nuôi. Từ đầu tháng đến nay, cá vẫn chết rải rác, nhưng gần đây thì chết nhiều và tập trung ở vùng nuôi gần vịnh Cam Ranh.

Ngoài tình trạng cá chết như đã kể trên, khu vực nuôi tôm hùm của một số phường trên vịnh Cam Ranh cũng xuất hiện tình trạng chết hàng loạt, nặng nhất là phường Cam Phúc Nam. Tại đây có 350 hộ nuôi tôm hùm, với tổng số hơn 2.400 lồng và tỷ lệ tôm hùm chết ở khu vực này chiếm khoảng 10% – 20% .

Ông Nguyễn Dự, Trạm trưởng Thú y thành phố Cam Ranh cho biết, "Hầu hết các hộ nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh đều có hiện tượng bệnh chết, ước chừng khoảng 2.000 con có độ tuổi từ 3 - 5 tháng nuôi. Chi cục chăn nuôi và thú y của tỉnh đã cử người xuống lấy mẫu tôm để phân tích, đánh giá nguyên nhân nhằm có phương án xử lý phù hợp nhất nhằm giảm thiệt hại cho bà con".

Để giảm bớt thiệt hại, người dân đã tự chủ động mua thuốc và vớt những con tôm hùm bỏ ăn, đem bán. Ông Trần Ngọc Tây, thôn Ngọc Hải, phường Cam Phúc Nam cho biết, với 400 lồng giống tôm hùm 8 tháng, gia đình ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, không tính tiền công chăm sóc, mỗi ngày những con tôm hùm “ngốn” hết của gia đình 10 triệu đồng tiền thức ăn, nên cứ con nào có dấu hiệu sắp chết và chết mà vẫn bán được thì ông bán hết.

Khu vực nuôi đầm Thủy Triều, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm có diện tích nuôi trồng thủy sản rộng hơn 80 ha. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, sau sự cố nước thải của nhà máy đường Khánh Hòa tràn ra môi trường, đã có hơn 5 ha hồ nuôi thủy sản của 20 hộ dân hai thôn Suối Cam và Tân Quý bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có hộ mất trắng.

Cả thủy sản tự nhiên lẫn nuôi trong Đầm Thủy Triều đều chết, tuy xác của chúng đã phân hủy và lắng xuống tầng đáy nhưng do trời nắng nên đi qua khu vực này vẫn còn mùi hôi thối. Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Suối Cam, xã Cam Thành Bắc) cho biết, 4 tấn ốc hương và 32 vạn con tôm thẻ chân trắng nuôi ở đầm Thủy Triều của gia đình bị chết toàn bộ, thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện tại, các đìa nuôi bị chết, ông Phúc đã cho rải vôi bột và chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan chức năng.


Ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, Trạm Khuyến Công – Nông - Lâm – Ngư nghiệp huyện Cam Lâm đã đưa ra khuyến cáo nông dân, không nên lấy nước từ đầm Thủy Triều vào ao, đìa để tránh tình trạng tổn thất nặng hơn.

Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, ông Hồ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, nguyên nhân ban đầu của hiện tượng trên là do người dân lấy nguồn nước đã bị ô nhiễm vào ao, đìa nuôi khiến môi trường trong hồ nuôi thay đổi đột ngột dẫn đến tôm, cá chết với số lượng lớn.

Còn ông Mai Như Chi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết, nhà máy đường Khánh Hòa đã nhiều lần xả thải nước chưa xử lý ra môi trường làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Năm 2016, sau khi xác nhận nhà máy này đã xả thải và làm chết thủy sản của người dân nhưng đến nay họ vẫn chưa đền bù hết cho người dân.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã cho thành lập đoàn công tác chuyên ngành bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với các đơn vị có liên quan của huyện và xã đến khu vực đầm Thủy Triều giám sát, kiểm tra và tìm nguyên nhân cũng như giải pháp để giúp người dân sớm ổn định công việc nuôi trồng thủy sản. Về phần nhà máy đường, đơn vị này đã xác định được nguyên nhân làm nước thải tràn ra đầm Thủy Triều và cam kết với chính quyền sẽ khắc phục sự cố này trong vòng 10 ngày.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Kiểm tra sự cố vỡ đập bùn thải quặng thiếc tại Nghệ An khiến cá chết hàng loạt
Kiểm tra sự cố vỡ đập bùn thải quặng thiếc tại Nghệ An khiến cá chết hàng loạt

Trước sự cố môi trường do Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) gây ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã ký Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với Công ty này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN