Tín dụng tăng trưởng trở lại

Trong thông điệp gửi các cơ quan báo chí vào tối ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng đến tháng 3 đã có tăng trưởng thực, có tác dụng mở rộng đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này mở ra chiều hướng tích cực để ngành ngân hàng đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm 2014.

Cụ thể, số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho thấy, nếu như tín dụng tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2 thì đến tháng tháng 3 đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2, phù hợp với xu hướng của những năm trước. Cơ quan này cũng cho biết, so với cùng kỳ năm trước, đến cuối tháng 3 tín dụng tăng khoảng 11,59%. Mức tăng này bằng với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân tín dụng tăng chậm được Vụ Chính sách Tiền tệ lý giải chủ yếu do những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...

Ảnh minh họa: TTXVN


Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp và càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn.

NHNN cũng khẳng định, diễn biến tín dụng đã có những điểm tích cực nếu nhìn vào cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 1/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 1,28%, công nghiệp hỗ trợ tăng 1,73%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 0,41% so với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 2/2014, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 0,15% so với cuối năm 2013. Riêng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn giảm so với cuối năm 2013 bởi sức hấp thụ vốn của khối doanh nghiệp này thấp, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nên không đủ điều kiện vay vốn.

NHNN cũng cho biết, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Từ đầu năm đến nay, các TCTD đã mua khoảng 83% lượng TPCP phát hành (số liệu đến 28/3/2014, tổng lượng TPCP phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng). Số dư TPCP do các TCTD nắm giữ tăng thêm trong 3 tháng đầu năm (bằng số mua TPCP trừ đi số TPCP đến hạn thanh toán) là khoảng 43.000 tỷ, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.

NHNN cho rằng, trong điều kiện các TCTD chưa thể mở rộng tín dụng mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thì việc các TCTD tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản.


Đỗ Huyền
APA - “Thuốc” chống chuyển giá
APA - “Thuốc” chống chuyển giá

Hoạt động chuyển giá, né thuế của các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được kỳ vọng giúp ngành thuế chống chuyển giá hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN