APA - “Thuốc” chống chuyển giá

Hoạt động chuyển giá, né thuế của các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được kỳ vọng giúp ngành thuế chống chuyển giá hiệu quả.


Biện pháp ngừa trốn thuế


Ông Đặng Tuấn, Hiệp Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế), cho biết, từ năm 2000 đến nay, giao dịch của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn đã chiếm tới 70% hoạt động kinh tế quốc tế, đạt tới khoảng 6.000 tỷ USD/năm. Trong đó, giá chuyển nhượng trong nội bộ các công ty đang là vấn đề “nóng” được cơ quan thuế các nước đặc biệt quan tâm, thậm chí đã trở thành thách thức đối với cơ quan thuế của các nước. Trước thực trạng đó, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chủ động ban hành các chính sách khuyến khích tuân thủ mới, mà điển hình là cơ chế APA.

 

Sản xuất linh kiện cơ khí máy móc tại Công ty Misumi Việt Nam trong khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện APA, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Đây cũng là biện pháp ngăn ngừa đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết.


Việc áp dụng các hình thức APA còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực cán bộ thuế cho các công việc phải tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên. Còn đối với doanh nghiệp, việc áp dụng APA giúp loại bỏ được những rủi ro khi bị thanh tra, xác định trước được các chi phí về thuế.


Ông Colin Clavey, chuyên gia tư vấn cao cấp về APA của Tổ chức tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Sabine Wahl, tư vấn viên độc lập về thuế đều cho rằng, muốn đạt được các thỏa thuận APA thành công thì cả cơ quan thuế và người nộp thuế cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi bước vào đàm phán. Doanh nghiệp cần có các cuộc họp, tham vấn trước khi có quyết định nộp hồ sơ APA cho cơ quan thuế. Còn về phía cơ quan thuế, sau khi đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng APA phải có kế hoạch tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về người nộp thuế thông qua các báo cáo kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đưa ra các phương án đàm phán với các nguyên tắc, mục tiêu và các căn cứ về giá để bảo vệ mức giá tính thuế hợp lý/từng giao dịch. Khi cả hai bên thống nhất, các điều khoản thực hiện, thì tiến hành ký kết thỏa thuận và cuối cùng là thực hiện APA.


Nhiều loại hình APA


Theo các chuyên gia, hiện có nhiều các loại hình APA, bao gồm đơn phương, song phương và đa phương. Trong đó, APA đơn phương tức là hình thức thỏa thuận giữa người nộp thuế và cơ quan thuế; APA song phương là giữa cơ quan thuế - cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế; APA đa phương là thỏa thuận giữa nhiều cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế.


APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hầu hết đại diện cơ quan thuế của 13 quốc gia, các chuyên gia tư vấn về thuế và APA cho rằng các quốc gia chủ yếu đang áp dụng APA đơn phương; đặc biệt đối với các quốc gia chưa có nhiều kinh nghiệm về APA. Bởi nếu thực hiện APA đơn phương, cơ quan thuế sẽ có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu, xem xét, đối chiếu và đi đến đàm phán cụ thể với từng người nộp thuế.


Với Việt Nam, để triển khai được APA hiệu quả, theo bà Arcotia Hasidimitris, Tổng cục Thuế cần có hệ thống cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm về giá chuyển nhượng; có cán bộ hiểu biết về ngành, lĩnh vực sẽ thỏa thuận với người nộp thuế. Mặt khác, cơ quan thuế Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm 3 bộ nguyên tắc về APA của Australia, trong đó có 3 cơ chế cho người nộp thuế lựa chọn tham gia ký các thỏa thuận, bao gồm: APA đơn giản hóa hay APA chuẩn mực hoặc APA phức tạp.


Tuy nhiên theo ông Yoshiyuki Nakagawa chuyên gia giá chuyển nhượng của Jica, Việt Nam có nhiều đầu tư nước ngoài nên việc áp dụng các APA song phương sẽ thích hợp hơn, bởi sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam. Một cái lợi khác nữa là qua đàm phán song phương, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan thuế đối tác. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm và hệ thống thông tin dữ liệu còn thiếu, chưa đồng bộ nên Việt Nam không nên áp dụng APA ồ ạt trong tất cả các ngành, lĩnh vực, mà chỉ nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực mà cơ quan thuế có đủ cán bộ năng lực, kinh nghiệm để áp dụng APA hiệu quả. Trên cơ sở kết quả đạt được, cơ quan thuế tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm sau đó triển khai nhân rộng.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN