Tín dụng chính sách xã hội mang lại niềm tin, động lực, góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
“Tiếp sức” kịp thời
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học, năm 2020, Huỳnh Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1994) ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh quyết định cùng với người thân đầu tư cơ sở trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao. Ban đầu, Thanh Nhàn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 80 triệu động từ ngân hành chính sách xã hội. Điều này kịp thời động viên, tiếp sức cho cô kỹ sư trẻ trên hành trình khởi nghiệp.
Thanh Nhàn cho biết, từ nguồn vốn vay đã đầu tư mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị, đầu tư hệ thống tự động IoT. Nhờ đó, cơ sở trồng nấm giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận. Nguồn vốn của Ngân hàng chính sách là “trợ lực” để Thanh Nhàn khởi nghiệp bởi em vay gói tín dụng trong khi lãi suất thấp. Từ một cơ sở trồng nấm rộng 300 m2 ban đầu, đến nay, đã phát triển thành Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia với khoảng 2.000 m2.
Còn đối với gia đình ông Trần Văn Cường ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là “cần câu” giúp ông phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ông Cường cho hay, trước đây, thiếu vốn sản xuất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê nên thuộc diện hộ nghèo. Từ 50 triệu đồng của nguồn vốn vay tín dụng chính sách, ông đầu tư chăn nuôi và trồng lúa, cây ăn quả. Với sự nỗ lực lao động, thu nhập khấm khá hơn, gia đình ông đã thoát nghèo năm 2022.
Chương trình cho vay sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho cháu của ông Cường (cháu Trần Văn Trọng) tiếp tục bước vào Đại học. Theo ông Cường, gia đình vừa thoát nghèo, lo phi phí học tập cho cháu trong nhiều năm là rất khó khăn. Nguồn vốn tín dụng chính sách một lần nữa “tiếp sức” cho gia đình ông khi cháu Trọng được vay 20 triệu đồng/học kỳ để trang trải chi phí học tập và đến nay đã vay 5 học kỳ.
Tỉnh Đồng Tháp tập trung bố trí, tiếp nhận, huy động nguồn lực tín dụng chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong 10 năm qua, Đồng Tháp có gần 859.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền trên 14.000 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Đồng Tháp còn 1,51% (giảm hơn 4% so với năm 2014).
Bà Trần Thanh Trúc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn này thật sự phát huy hiệu quả. Bình quân hàng năm hỗ trợ hơn 40 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Quản lý chặt nguồn vốn
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Trúc, hàng năm, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân. Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu vốn và trình Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, HĐND, UBND tỉnh, huyện cân đối bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, thực hiện tốt việc truyền thông về tín dụng chính sách xã hội, góp phần giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động tiếp cận với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội để được hướng dẫn, tư vấn, vay nguồn vốn ưu đãi này.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp áp dụng phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với hơn 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 140 Điểm giao dịch cố định tại các xã, phường, thị trấn. Việc bình xét đối tượng cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện theo quy định; giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch, đảm bảo vốn đến đúng các đối tượng một cách nhanh chóng, công khai, an toàn và hiệu quả.
Bà Trần Thanh Trúc cho hay, ngân hàng chính sách xã hội quan tâm thực hiện tốt việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay nhằm định hướng người vay sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; duy trì sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện để các tổ viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và tương trợ lẫn nhau, góp phần nâng cao hiệu quả vốn vay.
Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đang quản lý, triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội; dư nợ khoảng 5.739 tỷ đồng với hơn 156.500 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng luôn được duy trì tốt, nợ quá hạn chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng dư nợ. Một số chương trình tín dụng có dư nợ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất lớn như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đã quản lý an toàn, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; đủ năng lực để triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, kể cả những chính sách mang tính cấp bách đòi hỏi tiến độ triển khai nhanh chóng. Điển hình như chính sách cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chính sách tín dụng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.