Kinh tế nông thôn đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm là 3%/năm, các tiêu chí đạt nông thôn mới đều đã dần tăng. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư của chính quyền địa phương, nỗ lực của người dân, các cấp hội nông dân, còn có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn chính sách.
Bà đỡ cho người dân thoát nghèo
Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Cao Sơn, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò sinh sản phát triển tốt, gia đình có tiền để trả nợ ngân hàng, đồng thời có thêm đàn bò để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Hà chia sẻ: “Vùng đất Nam Hưng đồi núi, khó sản xuất hoa màu do thiếu nguồn nước tưới nên ở đây có phong trào chăn nuôi trâu, bò phát triển. Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình đã thoát nghèo và nuôi con học đại học. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi đã tham gia góp công góp của để cùng với bà con trong xóm, trong xã làm giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa”.
Ngoài vốn vay phát triển kinh tế gia đình, gia đình chị Hà còn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nam Đàn hỗ trợ cho vay vốn học sinh sinh viên giúp cho ba người con của chị đều tốt nghiệp đại học.
Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng năm 2015, gia đình chị Nguyễn Thị Châu, xóm 4 xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn cũng từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi. Gần 5 năm nỗ lực phát triển từ quy mô nhỏ, rồi tích lũy dần cùng số vốn của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, đến nay gia đình chị có trang trại chăn nuôi gồm gà vịt, bồ câu, cây ăn quả… Ban đầu chỉ có 2 con bò và 3 con dê, đến nay gia đình chị Châu đã có đàn bò, dê lên tới hàng chục con, doanh thu từ trang trại mỗi năm cũng hàng trăm triệu đồng.
“Đàn dê đang thời kỳ sinh sản, tôi mong muốn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển kinh tế hộ gia đình”, chị Châu kiến nghị.
Với một xã đã cán đích nông thôn mới từ năm 2015, cách tiếp cận truyền tải vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội không chỉ hỗ trợ người dân xã Nam Nghĩa giảm nghèo mà hướng tới lồng ghép với các định hướng chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của xã giúp người dân hướng đến những mô hình kinh tế quy mô lớn. Hiện xã Nam Nghĩa có tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng gồm vốn xóa đói giảm nghèo, vốn giải quyết việc làm, vốn đầu tư phát triển chăn nuôi.
Đến nay nhiều hộ được tiếp cận nguồn vốn này và phát huy hiệu quả chăn nuôi bò, gia cầm khác, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, từ 5,5% năm 2015, đến năm 2020 còn 1,036%. Nam Nghĩa đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022, lấy mục tiêu văn hóa gắn với du lịch, vì vậy phát huy lợi thế của địa phương vùng đồi núi, hồ đập và ẩm thực phong phú để thu hút du khách về với địa phương.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa cho biết: “Nguồn vốn tín dụng là bà đỡ để góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã nói chung và các hộ đang trong điều kiện hộ nghèo nói riêng. Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới mong muốn chủ trương tín dụng được nới rộng và nguồn vốn cho vay nhiều hơn để người dân thoát nghèo bền vững”.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; trong đó, có sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Vốn vay từ ngân hàng là một trong những kênh quan trọng giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng, các hạng mục, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Mục tiêu đề ra sắp tới của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nam Đàn tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội, các tổ chức chính trị xã hội điều tra khảo sát, bổ sung các hộ nghèo, cận nghèo để người dân có đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, mở rộng sản xuất chăn nuôi. Điều đáng nói, đặc thù của huyện Nam Đàn là đã về đích nông thôn mới nên đề nghị Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay các hộ có mức thu nhập trung bình giúp người dân tiếp cận vốn ưu đãi của Chính phủ để thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Sỹ Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nam Đàn kiến nghị.
Không chỉ riêng huyện Nam Đàn, trong quá trình hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương trong tỉnh Nghệ An thường xuyên nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Đặc biệt là việc ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên từ cấp huyện đến cấp xã, thị trong việc chuyển tải vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay vươn dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến với các khối, xóm.
Đến đầu tháng 6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.565 tỷ đồng với 287.000 hộ vay. Một số chương trình trọng điểm như cho vay hộ nghèo 1.317 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 2.395 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.459 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 408,4 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1.085 tỷ đồng.
Đầu tư tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mà nổi bật nhất là đã giúp tỉnh Nghệ An chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, đời sống người dân tại khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là người nghèo. Tín dụng chính sách thông qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn.
Cùng với đó, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng góp phần thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội. Thực tiễn những năm qua tại Nghệ An cho thấy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu 50 số xã về đích nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã đạt từ cách đây 2 năm. Đến nay, toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 61,48% số xã, cao hơn bình quân cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện tỉnh Nghệ An tập trung chỉ đạo xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới Việt - Lào theo Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam quan tâm bổ sung nguồn vốn từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.