Tìm giải pháp tối ưu hóa lợi thế kết nối, phát triển logistics tuyến Việt Nam - Campuchia

Ngày 28/10, tại khách sạn Cambodiana ở Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng cường kết nối phát triển tuyến dịch vụ logistics Việt Nam - Campuchia”.

Chú thích ảnh
Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty TCSG trình bày tham luận “Tân Cảng Sài Gòn phát huy lợi thế kết nối phát triển logistics tuyến Việt Nam - Campuchia”. Ảnh: Quang Anh/Pv TTXVN tại Campuchia

Hội thảo có sự góp mặt của trên 150  khách mời đại diện các cơ quan ban, ngành Campuchia, Việt Nam, các hiệp hội, chuyên gia logistics từ Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, cùng sự quan tâm tham gia trực tiếp và trực tuyến của trên 400 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics từ hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, đại diện Cục Đường thủy Nội địa Campuchia, Bộ thương mại và Bộ Quốc phòng Campuchia tham dự sự kiện.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế, quốc phòng Việt Nam - Campuchia năm 2023 đang diễn ra (từ ngày 25 - 29/10) ở đất nước Chùa Tháp.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng đây là cơ hội quý báu để các đại biểu và doanh nghiệp hai nước cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cũng như đưa ra các giải pháp để phát triển hoạt động logistics giữa Campuchia và Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp Campuchia tiếp cận với các giải pháp dịch vụ logistics phục vụ giao thương Việt Nam - Campuchia, tìm ra giải pháp logistics tối ưu nhất cho doanh nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối giao thương, phát triển dịch vụ logistics tuyến Việt Nam - Campuchia. 

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của chính phủ hai nước, dịch vụ logistics tuyến Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, nâng cao đời sống của nhân dân hai nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty TCSG, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Cảng biển châu Á - Thái Bình Dương nhận định với vị trí “vàng” trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, là điểm hội tụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, Campuchia có nhiều cơ hội để phát triển thành một trung tâm logistics của khu vực. 

Theo lãnh đạo Tổng công ty TCSG, trong những năm gần đây, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quốc tế cùng với việc nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các dịch vụ vận tải hàng hóa, kho bãi, ngành logistics tại Campuchia đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với lợi thế kết nối đường thủy qua hệ thống sông Mekong, các tuyến đường bộ và cửa khẩu kết nối với Việt Nam và Thái Lan, Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ logistics trong khu vực, đảm bảo hoạt động thông suốt, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia nói riêng và khu vực tiểu vùng sông Mekong nói chung. 

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty TCSG dẫn số số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong năm 2022 vừa qua, sản lượng hàng hóa quá cảnh bằng đường thuỷ - được ví như như “giải pháp vận tải xanh” kết nối Việt Nam và Campuchia qua sông Mekong, đạt hơn 394.000 Teu. Trong đó, riêng TCSG chiếm 56% thị phần vận tải bằng đường thuỷ đối với hàng nhập khẩu và 49% hàng xuất khẩu. 

Trên tinh thần đó, ông Bùi Văn Quỳ khẳng định hoạt động logistics tuyến Việt Nam - Campuchia được ví như “mạch máu” trong chiến lược mở rộng và phát triển thị trường ở Campuchia cũng như các nước trong khu vực của TCSG, doanh nghiệp sở hữu nhiều cụm cảng lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, có vai trò là cảng trung chuyển và quá cảnh, là cầu nối quan trọng cho hàng hóa của Campuchia kết nối với thế giới. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu trao đổi, đối thoại trong phiên thảo luận của hội thảo. Ảnh: Quang Anh/Pv TTXVN tại Campuchia.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về thực trạng, tiềm năng, lợi thế và giải pháp kết nối phát triển logistics giữa Việt Nam và Campuchia qua 3 tham luận “Tiềm năng phát triển thị trường xuất nhập khẩu Campuchia và định hướng phát triển cảng biển” của Cảng Tự trị Phnom Penh (PPAP), “Giải pháp tăng trưởng hàng trung chuyển và hàng quá cảnh Việt Nam - Campuchia” của hãng tàu RCL và “Tân Cảng Sài Gòn phát huy lợi thế kết nối phát triển logistics tuyến Việt Nam - Campuchia” của Tổng công ty TCSG.

Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty TCSG chia sẻ với dịch vụ vận tải sà lan tuyến do các đơn vị thành viên của TCSG đang cung cấp, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics. Trong khi đó, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp gần với khu vực mậu biên ở cửa khẩu Mộc Bài và Hoa Lư của Việt Nam cũng có thể sử dụng các dịch vụ vận tải đường bộ của Công ty Cổ phần Tân Cảng Tây Ninh. 

Dự kiến trong quý II/2024, TCSG sẽ đưa vào hoạt động cảng cạn (ICD) Tân Cảng Tây Ninh. Với vị trí nằm cách cửa khẩu Mộc Bài chưa tới 3 km và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km, đây là địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các dịch vụ logistics và giao nhận hàng hóa xuyên biên giới, cũng như dịch vụ Depot điều phối container rỗng, giúp doanh nghiệp tại các khu kinh tế cửa khẩu của hai nước Việt Nam và Campuchia tiết kiệm tối đa chi phí logistics.

Trong phần thảo luận tại hội thảo dưới sự điều hành của ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Cảng biển châu Á - Thái Bình Dương, các đại biểu đại diện các hãng tàu, doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, đối thoại, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị liên quan hoạt động cung cấp dịch vụ logistics của TCSG nói riêng và ở Việt Nam nói chung, nhất là các vấn đề liên quan thủ tục Hải quan. 

Các chuyên gia logistics đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường kết nối, phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ logistics tuyến Việt Nam - Campuchia, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt và hiệu quả giữa hai quốc gia và khu vực. 

Bên cạnh những thuận lợi về tiềm năng, lợi thế, hội thảo ghi nhận hoạt động logistics giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm giải quyết của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, cũng như sự chung tay tháo gỡ của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, nhất là các quy định liên quan đến thủ tục Hải quan cho hàng quá cảnh và các loại phí. 

Chú thích ảnh
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ký kết hợp tác với Cảng Tự trị Phnom Penh. Ảnh: Quang Anh/Pv TTXVN tại Campuchia

Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra nghi thức ký kết biên bản hợp tác giữa Tổng công ty TCSG với PPAP, cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.

Hội thảo “Tăng cường kết nối phát triển tuyến dịch vụ logistics Việt Nam - Campuchia” khép lại và mở ra nhiều tiềm năng hợp tác cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics ở hai nước Việt Nam - Campuchia, cũng như trong khu vực.

Huỳnh Thảo (TTXVN)
Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng kết nối để ngành logistics Đông Nam Bộ cất cánh
Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng kết nối để ngành logistics Đông Nam Bộ cất cánh

Nằm ở vị trí quan trọng và là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành logistics xứng tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc kết nối đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không chưa đồng bộ, các chuyên gia cho rằng đây chính là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN