Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt.
Sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy Sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Dù vậy từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).
Trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm Chính phủ thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo đó, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.
Để góp sức thực hiện nhiệm vụ trên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022.
“Năm nay chúng ta phấn đấu tăng trưởng 8-12% kim ngạch xuất khẩu, đạt ngưỡng khoảng 800 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm mới đạt 154 tỷ USD, cứ đà này cuối năm chỉ đạt trên dưới 600 tỷ USD, đây là khoảng cách lớn”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp. Qua đó, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Chia sẻ trực tuyến tại hội nghị, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính cả 2 tháng đầu năm, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đang có dấu hiệu hồi phục đạt 402,55 triệu USD giảm 61,9% so với cùng kỳ năm 2022, trước đó tháng 1 là giảm 68,92%.
Trong đó, trong 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 205,43 triệu USD giảm 59,4% so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 1 trước đó giảm 70,3%), riêng tháng 2 đạt 106,07 triệu USD tăng 6,8% so với tháng 1 năm 2023.
Ông Minh cho biết, các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam với thế mạnh về hàng may mặc, giày dép, nông sản, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng tăng xuất khẩu, đầu tư sang Nga. Các doanh nghiệp có hợp tác với Nga nên nghiên cứu kỹ, xem xét tăng cường, đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Nga để tổ chức sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng may mặc, giày dép, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng tại Nga.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cảnh báo, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. Dự báo, trong thời gian tới Mỹ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
“Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương các doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác, có thể tìm hiểu thông qua Thương vụ, đặc biệt là các đối tác tìm được trên môi trường internet, để tránh gặp mại các trường hợp lừa đảo. Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam”, thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cảnh báo.
Còn ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhìn chung, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10,0 tỷ USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 9,23 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 5,6% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm 6,8%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 733,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhìn chung 2 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang quốc gia này có dấu hiệu giảm rõ rệt, thuỷ sản giảm 55%, gỗ giảm 47%, dệt may giảm 32%, giày dép giảm 34%... một số mặt hàng có dấu hiệu tích cực hơn như máy tính, linh kiện tăng 7%, cà phê tăng 22%...
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng chỉ ra nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng liên tục gia tăng của Hoa Kỳ ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống chính sách của các nước; Xung đột địa chính trị giữa các quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ ngày một tăng. Cùng với đó, việc các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ, càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu. Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với các mặt hàng đa dạng và có giá trị cao.
“Các cơ quan hữu quan triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thoả thuận song phương với Hoa Kỳ; nghiên cứu tham gia và tận dụng các cơ hội trong khuôn khổ các Hiệp định đa phương thế hệ mới mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của Việt Nam. Các Bộ ngành xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Hoa Kỳ”, ông Hưng khuyến cáo.
Đưa ra cảnh báo khó khăn trong thời gian tới, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Canada thì mặt hàng thép, hoá chất, đồ chơi có kim ngạch và tốc độ xuất khẩu giảm.
Canada hiện nay đang khởi xướng điều tra lại các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số mặt hàng thép của Việt Nam. Thương vụ cũng đã có cảnh báo trong thời gian qua.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô vào Canada trong năm 2022, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao trong 2023 vì trong đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 10%, tuy nhiên, ngày 28/3, Canada vừa công bố danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường. Hiện nay Việt Nam ngoài ưu đãi thuế quan theo khuôn khổ Hiệp định CPTPP thì vẫn hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan, tuy nhiên, Việt Nam chỉ được hưởng ưu đãi này đến ngày 31/12/2023.
Hiện thương vụ Việt Nam ở Canada đang tìm hiểu với nước sở tại để xem khả năng Việt Nam tiếp tục được hưởng chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường khi hết ngày 31/12/2023.
Theo bà Quỳnh, đây là việc rất quan trọng với ngành dệt may Việt Nam, bởi hiện nay, xuất khẩu dệt may sang Canada ngoài sử dụng ưu đãi thuế quan theo CPTPP thì nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng ưu đãi phổ cập thuế quan, vì với ưu đãi này yêu cầu sử dụng nguyên tắc xuất xứ từ cắt may trở đi, trong khi CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi nên nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu đầu vào.
“Đây là khó khăn rất lớn đối với Việt Nam vì danh sách các nước được hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan vẫn gia hạn cho một số đối thủ cạnh tranh rất lớn của Việt Nam như Bangladesh, Ai Cập, Campuchia…”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các thương vụ, trong 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm…