Tiêu thụ hàng Việt khó khăn

Để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, cùng với đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) cũng đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng. Đây là giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

 

Thiếu kết nối


Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 làng nghề truyền thống. Hầu hết các làng nghề này đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, chỉ có 12% các làng nghề liên kết tốt với các kênh phân phối để tiêu thụ hàng hóa, còn lại việc bán hàng chủ yếu mang tính tự phát, không có kênh phân phối ổn định, nên thị trường tiêu thụ rất bấp bênh.


 

Do thiếu kênh phân phối mà nhiều hàng Việt Nam chất lượng tốt chưa đến được với hầu hết người tiêu dùng.

 

Ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: Tổ chức tốt hệ thống phân phối, chú trọng tới chất lượng dịch vụ và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm là một trong những cách để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.


Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh: Hiện hàng Việt có nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do thiếu kết nối với các hệ thống phân phối. Chẳng hạn như các đặc sản và sản phẩm làng nghề ở nước ta rất phong phú, chất lượng sản phẩm tốt nhưng việc phát triển sản phẩm vẫn gặp khó khăn do thiếu kết nối với các kênh phân phối để đưa hàng tới người tiêu dùng.


Ngoài ra, nhiều DN do không đủ nguồn lực nên khó duy trì việc phân phối hàng hóa trên các kệ hàng ở các trung tâm, siêu thị lớn.


Mặt khác, không chỉ DN thiếu kết nối với hệ thống phân phối mà bản thân hệ thống phân phối cũng chưa phong phú và chưa có sự kết nối với DN sản xuất. Ví dụ ở Nhật Bản có khoảng 120 triệu dân nhưng họ có khoảng 50.000 siêu thị mini, khoảng 15.000 - 20.000 siêu thị lớn và các trung tâm thương mại. Trong khi đó, nước ta có quy mô dân số đến hơn 80 triệu người nhưng chỉ có vài nghìn siêu thị, trung tâm thương mại.


Trong khi đó, hiện đa số các chợ truyền thống là chợ tạm, chợ đã xuống cấp, số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý còn ít, nhất là các chợ ở nông thôn, miền núi, vùng cao. Ở trung tâm tỉnh và các trung tâm huyện thị thiếu các mô hình kinh doanh thương mại tiên tiến. Chính những khó khăn trên đã khiến DN khó đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đến với người tiêu dùng.

 

Mở rộng kênh phân phối


Ngoài ra, khi nước ta mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các DN bán lẻ trong nước phải cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với các DN nước ngoài, trong khi đó DN trong nước chưa có mạng lưới các trung tâm thương mại, tổng kho bán buôn hiện đại đủ mạnh để phân phối và làm đầu tàu lôi kéo ngành thương mại địa phương phát triển. Đồng thời, DN trong nước còn phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. Do đó, đã khiến nhiều DN Việt không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến phá sản, ngừng hoạt động ngày càng tăng cao.


Tổng Giám đốc hệ thống bán lẻ hàng dệt may Vinatex Mart Dương Thị Ngọc Dung cho biết: Mặc dù sức mua của thị trường nội địa giảm sút nhưng nếu DN biết mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển mạng lưới đưa hàng về các vùng nông thôn, vùng không có các kênh phân phối bán lẻ thì DN vẫn có thể có cơ hội tăng doanh thu, đảm bảo sự tăng trưởng và cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thực tế, tính riêng 6 tháng đầu năm nay, nhờ áp dụng phương pháp này, vừa qua doanh thu tiêu thụ nội địa của DN đã tăng so với cùng kỳ 5%.


Mặt khác, để tạo thuận lợi cho các DN sản xuất kết nối được với hệ thống phân phối, các cơ quan, ban ngành nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ cho các hệ thống phân phối trong việc tìm kiếm những DN có nguồn hàng hóa tốt ở các địa phương nhằm đem tới những nguồn hàng tốt phục vụ người tiêu dùng, hoặc phát triển hệ thống phân phối hiện đại ngay tại địa phương để tiêu thụ hàng hóa cho DN sản xuất.


Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ phối hợp với các tỉnh, thành nâng cấp 24 chợ huyện và hỗ trợ để đưa hàng Việt vào các chợ này; đồng thời liên kết với hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C để nâng cao độ bao phủ của hàng Việt ở các hệ thống phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh phân phối tiện ích như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích… để giúp hàng hóa của DN Việt tiếp cận được với người tiêu dùng hiệu quả hơn.


Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN