Tiếp sức ngư dân - Kỳ 4: Bước chuẩn bị đón đầu ở Nghệ An

Nắm bắt tinh thần của Chính phủ về gói hỗ trợ ngư dân bám biển, tỉnh Nghệ An đã đi nhanh một bước, chuẩn bị mọi mặt để đón đầu dự án. Tuy nhiên, chuẩn bị khi chưa có Nghị định hay thông tư hướng dẫn của Chính phủ, khiến cách làm ở Nghệ An đã xảy ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm.


Nóng vội


Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII biểu quyết thông qua gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước triển khai thí điểm gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng tại hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Tỉnh Nghệ An cũng đã nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt, khi Chính phủ đã quyết định thì chỉ việc thực hiện. Vấn đề đáng nói ở đây là Nghệ An chưa tuyên truyền sâu rộng tới bà con vùng biển về chủ trương, chính sách của Nhà nước để họ hiểu và có thời gian bàn bạc, suy nghĩ mới đưa ra quyết định có nên vay vốn, đóng tàu.

 

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, làm thế nào thì kết quả cũng phải mang lại lợi ích cho người dân.


Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Ngày 27/6/2014, các xã ven biển nhận được điện thoại của cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) yêu cầu đăng ký danh sách hỗ trợ vay vốn để đóng tàu. Ngặt nỗi, cán bộ Chi cục yêu cầu các xã từ 10 giờ đến 17 giờ cùng ngày phải có danh sách đăng ký, bằng hình thức đăng ký qua mạng. Sợ thiệt thòi cho người dân, chính quyền xã vội vàng thông báo trên loa phát thanh, được người nào hay người ấy. Thời điểm thông báo đã tối, đàn ông đang đánh bắt ngoài biển, phụ nữ ở nhà biết gì mà đăng ký”. Qua tìm hiểu, không biết bằng cách nào, các xã đều có danh sách đăng ký về Chi cục KT&BVNLTS Nghệ An. Xã ít cũng gần 20, xã nhiều nhất là trên 60 trường hợp đăng ký mà chưa nắm rõ về chính sách ra sao.


Đặc biệt, Chi cục KT&BVNLTS Nghệ An tiến hành cho các xã đăng ký mà không thông qua huyện. Ông Nguyễn Văn Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: Tỉnh cho người dân đăng ký mà huyện không biết. Xong xuôi rồi mới gửi danh sách về yêu cầu huyện dựa trên những người đã đăng ký để chứng thực, có công văn gửi vào cho đúng quy trình. UBND huyện phản đối cách làm như vậy nên không thực hiện mà tiếp tục nhận đăng ký của người dân.


Cán bộ phụ trách thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho rằng: “Việc đăng ký vội vã của Chi cục như vậy là không hợp lý, có xã không kịp họp dân nên không đăng ký chiếc nào. Người dân Diễn Châu chỉ quen với bè mảng lại đăng ký tới 58 chiếc. Khi các xã bổ sung danh sách thì cán bộ Chi cục KT&BVNLTS tỉnh trả lời đã chốt danh sách rồi, nếu đăng ký thêm thì chuyển sang kế hoạch năm 2015. Tôi cho rằng, việc chuẩn bị đón đầu dự án là đúng nhưng phải có văn bản cụ thể, thực hiện phải đúng trình tự, tránh để người dân hiểu nhầm”.


Giải thích về vấn đề này, ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đây chỉ là bước chuẩn bị chứ không phải là triển khai thực hiện vì chưa có Nghị định, nhưng phải làm trước, công tác chuẩn bị là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của chương trình này. Nếu thiếu bước chuẩn bị thì khi thực hiện sẽ có nhiều vướng mắc nên sẽ không trở tay kịp dẫn tới đổ vỡ như dự án xa bờ năm 1997. Còn việc đăng ký qua điện thoại trong khoảng thời gian nhất định là do thời gian quá vội, các xã bổ sung thêm nhưng không được chấp nhận là do nhân viên thực hiện sai, không hiểu vấn đề”. Nhưng cán bộ của Chi cục KT&BVNLTS tỉnh lại khẳng định “chúng tôi chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo”.


Trao đổi với ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển của Chính phủ, ông cho biết: “Khi chưa có Nghị định của Chính phủ thì tỉnh Hà Tĩnh chỉ làm công tác tuyên truyền tới bà con nhân dân biết. Khi có Thông tư hướng dẫn cụ thể thì tỉnh sẽ tiến hành tập huấn, triển khai đến người dân và cử cán bộ đi học tập mô hình ở các tỉnh. Dù rất gấp và chúng tôi cũng nóng lòng nhưng làm phải có quy trình”.


Cần minh bạch thực hiện


Tại Hội nghị lấy ý kiến và phổ biến bước chuẩn bị, sẵn sàng đón đầu chương trình hỗ trợ ngư dân của tỉnh Nghệ An diễn ra vào chiều 4/7/2014, đại diện chính quyền huyện, xã và ngư phủ vùng ven biển đã bày tỏ niềm phấn khởi nhưng không ít lo lắng.


Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nêu ý kiến: “Tỉnh cần nắm chắc chính sách Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Chính phủ để triển khai sâu rộng đến người dân. Nếu chúng ta không tuyên truyền rõ thì dân sẽ hiểu lầm như dự án xa bờ năm 1997. Chúng ta cần làm rõ thời gian tiến hành có từ khi nào, quyền và trách nhiệm của dân ra sao? Dân phải có quyền xem xét, định đoạt số vốn vay, tức là đóng ở đâu, mua lưới cụ chỗ nào sao cho phù hợp với yêu cầu và ngư trường mình đánh bắt. Tránh như năm 1997, chỉ cần một chữ ký, người dân đã nhận được tàu, không có quyền trong mọi vấn đề sắm sửa con tàu mà mình sẽ điều khiển nó ra khơi, đánh bắt thủy sản. Ta nên để dân đăng ký sâu rộng, sau đó mới thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn người có khả năng về tài chính, trách nhiệm và tổ chức tốt cho tàu đánh bắt hiệu quả. Thực hiện từng bước như vậy thì chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển mới thành công”.


Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Lê Đức Cường cũng nêu ý kiến cho rằng: “Chúng ta phải chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai. Người dân hiểu rõ về chính sách thì công tác đăng ký, xét duyệt mới bảo đảm tốt nhất”.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Đinh Viết Hồng giải thích: Đây chỉ là bước chuẩn bị, chúng ta không thể làm muộn so với các tỉnh khác. Ông Hồng nóng lòng và yêu cầu Chi cục KT&BVNLTS thông tin với Trung ương xem Nghị định đã được ký chưa, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy kết quả. Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã đưa ra danh sách đăng ký qua hình thức “điện thoại” là 354 tàu, đại biểu các xã cho rằng: “Đăng ký như vậy là nóng vội và để sót nhiều người có khả năng. Nếu làm theo cách này và vẫn giữ danh sách đăng ký cũ sẽ xảy ra những bất cập, khiến người dân hiểu lầm về chính sách, chủ trương của Nhà nước”.


Nghe ý kiến phản ánh của các ngư dân và chính quyền các địa phương, ông Đinh Viết Hồng chỉ đạo: “Các huyện, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho bà con hiểu được chủ trương của Nhà nước. Tổ chức cho người dân đăng ký công khai, dân chủ và nộp danh sách về tỉnh muộn nhất vào ngày 15/7. Sở NN&PTNT nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của người dân và tổng hợp cụ thể từ các xã, huyện để tham mưu với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ ngư dân một cách hiệu quả nhất”.


Bài và ảnh: Viết Tôn - Việt Hoàng

 

Kỳ cuối: Tiếng nói của ngư dân

Tiếp sức ngư dân - Kỳ 3: Nguyện vọng của ngư dân
Tiếp sức ngư dân - Kỳ 3: Nguyện vọng của ngư dân

Năm 1997, mục tiêu tạo việc làm cho ngư dân bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo được Chính phủ triển khai thông qua “Dự án hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ”. Qua đáng giá của ngành chức năng, dự án này hiệu quả thì ít nhưng thất thoát tiền nhà nước thì nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN