Những ngư dân vùng biển đang vui mừng đón chờ gói hỗ trợ 16.000 tỷ của Chính phủ đi vào thực tế. Đây sẽ là luồng sinh khí mới, tạo đà cho nghề khai thác thủy sản nước ta phát triển vững mạnh. Với gói hỗ trợ này, đội tàu cá có công suất lớn tăng lên, dịch vụ hậu cần nghề cá bảo đảm, bến cảng được nâng cấp, chắc chắn kinh tế biển sẽ khởi sắc.
Đầu tư đồng bộ
Hiện nay, dù chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng người dân đã ý thức vươn lên, anh em cùng góp tiền thành tổ hợp để đóng tàu công suất lớn trên 500CV để đánh bắt xa bờ. Thời gian tới, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ được triển khai, chắc chắn lượng tàu sắt, tàu gỗ lớn sẽ tăng lên. Bài toán đặt ra là cần đầu tư một cách đồng bộ, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ phải đi đôi với công tác nâng cấp và mở rộng cảng biển, nạo vét cửa lạch ra, vào và dịch vụ hậu cần nghề cá cần bảo đảm.
Ngư dân đánh bắt về, sản phẩm bán vẫn không ổn định, bị tư thương ép giá nhưng vẫn phải bán đổ bán tháo vì sợ cá hư, thối. |
Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Với sự phát triển nhanh chóng của đội tàu lớn, đánh bắt xa bờ trên địa bàn huyện nên các cảng cá và cửa lạch ra vào quá tải, đòi hỏi phải mở rộng và nâng cấp kịp thời phục vụ tàu thuyền của ngư dân ra, vào bến an toàn và hiệu quả. Nhiều tàu thuyền vào cửa lạch lúc thủy triều rút, nước cạn đã bị gãy chân vịt và bị sóng xô lật tàu, thiệt hại về tài sản là rất lớn”.
Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Nguyễn Văn Kế, cho biết: “Năm 2013, xã chúng tôi có hai tàu lúc vào lạch Quèn bị mắc cạn và sóng lớn xô lật tàu, thiệt hại mỗi tàu trị giá trên 500 triệu đồng. Tàu của những xã lân cận vào cảng Quỳnh Tiến, cảng Lạch Quèn dịp cao điểm các tàu phải chen lấn, xô đẩy lẫn nhau rất phức tạp. Chính quyền xã đã có ý kiến với huyện, tỉnh để đầu tư mở rộng âu tàu trú bão và nạo vét lòng sông, cửa lạch ra vào nhưng vì ngân sách eo hẹp nên chưa thực hiện được. Tôi mong Chính phủ cần đầu tư đồng bộ, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn thì đồng thời phải nâng cấp bến cảng tương xứng, đáp ứng nhu cầu tàu cá ngày một tăng lên”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không khỏi băn khoăn về cơ sở bến bãi, cửa lạch không đáp ứng với lượng tàu cá của xã tăng nhanh. Nhiều ngư phủ lo lắng việc bao tiêu sản phẩm thế nào cho hiệu quả kinh tế, không bị tư thương ép giá. Chủ tịch UBND xã Sơn Hải hy vọng có gói hỗ trợ của Chính phủ, số lượng tàu lớn dịch vụ hậu cần nghề cá tăng lên, đáp ứng thu mua sản phẩm của ngư dân ngay trên biển và cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, giúp các tàu bám biển dài ngày hơn. Các tàu đánh bắt cũng không mất thời gian, kinh phí cho một chuyến biển ra, vào.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng: Những năm gần đây người dân đóng tàu lớn rất nhiều. Gói hỗ trợ sắp tới, số lượng tàu sắt, tàu gỗ trọng tải lớn chắc chắn sẽ tăng lên. Tỉnh Nghệ An đã tính đến phương án nâng cấp các cảng cá và tiến hành nạo vét cửa lạch để các tàu thuyền ra vào thuận lợi. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích và ưu tiên các đơn vị, cá nhân đăng ký đóng tàu sắt dịch vụ hậu cần nghề cá, đem lại lợi ích kinh tế cho ngư dân bám biển dài ngày.
Hỗ trợ bảo hiểm thân tàu
Trước đây, Nhà nước cũng đã tiến hành hỗ trợ đóng bảo hiểm thân tàu nhưng được vài năm, sau khi hết thời gian hỗ trợ thì người dân không mặn mà với việc này. Nhất là số tiền mà người dân bỏ ra đóng bảo hiểm là quá lớn và tâm lý chẳng ai muốn mua “rủi ro” về mình. Cách nghĩ gặp chăng hay chớ như vậy nên số tàu được tham gia đóng bảo hiểm thân tàu trong cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi gặp rủi ro trên biển, chìm tàu người dân đành ngậm đắng nuốt cay, trắng tay, khó khăn để tái sản xuất.
Theo gói hỗ trợ của Chính phủ thì tàu cá sẽ được hỗ trợ 70% giá trị bảo hiểm thân tàu và lưới cụ, ngư dân phấn khởi vì nhận được sự quan tâm của Nhà nước để họ yên tâm ra khơi xa.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang đóng mới con tàu có trị giá khoảng gần 6 tỷ đồng, chờ xuống nề và sắm sửa các phương tiện để khởi đầu ra khơi. Nói về chính sách của Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm thân tàu, anh Tuấn cho biết: “Nếu được như vậy thì ngư dân chúng tôi rất phấn khởi, để người dân tự mua bảo hiểm thì chẳng ai giám, biết có đánh bắt được không mà phải bỏ một khoản tiền lớn cho việc này? Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân phần nào thì vui quá. Chúng tôi phải thế chấp cả nhà cửa để vay vốn ngân hàng, đóng được con tàu ra khơi, nếu có bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu thì ngư dân sẽ yên tâm hơn khi bám biển”.
Song cũng không ít ngư dân còn băn khoăn, lo ngại rằng tất cả các tàu cũ và mới đều được hỗ trợ đóng bảo hiểm thân tàu hay chỉ có tàu mới và tàu đóng trong dự án 16.000 tỷ đồng? Theo anh Nguyễn Quang Vinh, cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An, nên hỗ trợ đóng bảo hiểm cho tất cả các tàu, nếu ưu tiên thì tàu cũ phải được hưởng trước vì rủi ro trên biển cao hơn. Điều kiện hỗ trợ phải quy định rõ ràng, hỗ trợ đóng bảo hiểm theo tỷ lệ phần trăm của công suất tàu. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm, tránh tình trạng chào mời thì nhiệt tình, chi trả thì khó khăn, thủ tục phiền hà cho người dân.
“Việc tàu cá lênh đênh trên biển, không ai nói trước việc tàu mình luôn an toàn, không có sự cố xảy ra. Để bảo đảm về lâu về dài, giảm thiệt hại cho người dân, Nhà nước cần hỗ trợ để tất cả các tàu đều có bảo hiểm thân tàu. Ngư dân, các cá nhân và doanh nghiệp có bảo hiểm thân tàu sẽ yên tâm vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Mô hình đánh bắt “người góp của, người góp sức” có điều kiện phát triển rộng rãi”. Ông Trương Minh Hoàng - đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau |
Bài và ảnh: Viết Tôn - Việt Hoàng
Kỳ 3: Nguyện vọng của ngư dân