Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), giá trị đồng nội tệ của các thị trường mới nổi đã trượt xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua do biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cùng đà rơi tự do của giá cả hàng hóa trên toàn cầu. Các nước xuất khẩu nguyên liệu thô như Brazil, Nga và Colombia đều đã rơi vào tình cảnh phải bán hạ giá do các mặt hàng như dầu mỏ, đồng và quặng sắt tiếp tục đà giảm giá trong tuần này, trong đó giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Tình trạng “hỗn loạn” này dự kiến tiếp tục tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất hiện ở mức gần 0% hiện nay, một động thái có thể tác động mạnh tới các thị trường đang phát triển. Ông James Lord, chiến lược gia về thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, cho rằng bất cứ sự thay đổi nào liên quan đến việc nâng lãi suất của FED, dựa trên các số liệu kinh tế vững mạnh từ nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng có thể tác động đến tình hình hiện nay.
Các thị trường tiền tệ đóng vai trò như một thước đo tâm lý nhà đầu tư, do đó việc các đồng tiền mất giá làm tăng khả năng bán tháo mạnh hơn trên các thị trường nợ và vốn cổ phần. Trong khi đó, chi phí vay mượn chính phủ và công ty tại các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều tăng.
Sự thất bại của Bắc Kinh trong việc ổn định thị trường chứng khoán nội địa trong những ngày gần đây, theo sau đợt bán tháo chưa từng có tiền lệ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các nhà đầu tư toàn cầu. Điều này đã làm suy giảm lòng tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đẩy giá hàng hóa tiếp tục xuống và khiến các thị trường đang phát triển dễ bị tổn thương hơn.
Đồng real của Brazil và đồng peso của Colombia đã mất giá tương ứng là 22% và 17% trong năm nay, khiến chỉ số Tiền tệ Thị trường mới nổi (Emerging Market Currency index) của JPMorgan rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ra đời năm 1999. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mất giá hơn 15% trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với tình hình bất ổn chính trị, làn sóng người chạy nạn từ Syria.
Mặc dù tiền tệ mất giá được một số nước hoan nghênh bởi điều đó giúp hoạt động xuất khẩu của những nước này cạnh tranh hơn, song điều này cũng làm tăng chi phí nhập khẩu và chi phí xử lý nợ bằng ngoại tệ, đe dọa ổn định tài chính. Một nghiên cứu của Hãng tư vấn quản lý McKinsey ước tính nợ của các thị trường mới nổi hiện chiếm gần 50% tổng nợ thế giới kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lên tới 49.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2013.