Tiền ‘rót’ vào kinh tế lớn, vì sao doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn?

Trong phiên họp Tổ của Quốc hội ngày 22/10 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội ông Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cho biết: Theo Nghị quyết 43/2022 về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua, nền kinh tế được đón nhận nguồn tiền lớn. 

Chú thích ảnh
Cần cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kêu nhiều nhất là khó tiếp cận vốn

“Tại sao đi tiếp xúc cử tri, làm việc với các doanh nghiệp, cơ bản doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn, không có tiền đầu tư, không có vốn đưa vào dự án khiến nhiều dự án bị đình trệ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn. 

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, trong Chương trình phục hồi kinh tế, có 128.000 tỷ đồng được dành cho nhóm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là nguồn tiền lớn vào nền kinh tế. Trong Nghị quyết 43, Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 1 - 1,2% GDP/năm, không vượt quá 240.000 tỷ  đồng trong 2 năm 2022 và 2023, riêng năm 2022 khoảng 122.000 tỷ đồng. 

“Trong Nghị quyết 43, các chính sách đã được Chính phủ quy định cụ thể. Một số chính sách đang được phát huy hiệu quả nhưng còn một số chính sách có nên tiếp tục triển khai hoặc nếu tiếp tục thì cần thực hiện điều chỉnh ra sao? Ví dụ việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình ‘Sóng và máy tính cho em’ có tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay các học sinh đã được đi học trực tiếp ở trường. Vậy chính sách này sẽ được điều chỉnh ra sao, số tiền này được chuyển vào đâu cũng cần làm rõ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, về chính sách tiền tệ, các ngân hàng thương mại phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% nhưng do tình hình biến động của nền kinh tế toàn cầu nên hiện cơ bản lãi suất đã tăng. 

Tại phiên họp Tổ của Quốc hội ngày 22/10 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đều bày tỏ sự lo ngại về tình trạng rất khó khăn của nhiều doanh nghiệp, thậm chí là có thể gián đoạn hoạt động, phá sản...Khó khăn mà doanh nghiệp kêu nhiều nhất là tiếp cận vốn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ông Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận tại phiên họp Tổ của Quốc hội ngày 22/10: “Đúng là doanh nghiệp đang rất khó”. Trước mắt, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án đã và đang hoạt động, sẽ khai thông nguồn lực cho phát triển. “Các doanh nghiệp đang rất khó khăn, không chỉ khó tiếp cận vốn, mà còn khó nhiều mặt. Tiếp cận đất đai khó, mà có tiếp cận được thì khó giải phóng mặt bằng. Đầu tư công giải ngân chậm cũng từ giải phóng mặt bằng khó, nếu không gỡ thì không thể đẩy nhanh được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm.

Đặc biệt, trong bối cảnh này, những khó khăn từ môi trường đầu tư – kinh doanh lại nổi lên, làm khó thêm cho doanh nghiệp. Tồn tại không chỉ đến từ thủ tục hành chính phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ: Nhiều địa phương có tâm lý e ngại, sợ sai nên dừng lại, đình trệ nhiều. Nhiều dự án đã cấp phép, đang triển khai cũng vướng mắc nhiều, chậm được tháo gỡ. Khi chậm tháo gỡ thì lại tạo nên các điểm nghẽn và khi đó là một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông... Ngay cả những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công của năm nay, bên cạnh những khó khăn thường được nhắc tới, còn có câu chuyện của giá nguyên vật liệu, xăng dầu lên cao..., nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ...

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp đang bước vào cuộc đua sản xuất - kinh doanh cuối năm nhưng nguồn vốn vẫn là một trong những vấn đề nan giải.

Trước đó, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022 về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua đầu tháng 1/2022. Theo đó, gói phục hồi kinh tế đã giải ngân được 61.000 tỷ đồng, tương đương 20,2% quy mô chương trình. Con số này không bao gồm 46.000 tỷ đồng dự kiến chi nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế phòng chống COVID-19.

Với các chương trình cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, số giải ngân đạt 10.741 tỷ đồng cho gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn tính tới 30/9. Tuy nhiên, gói hỗ trợ 2% lãi suất vay qua NHTM, số giải ngân mới chỉ đạt 29 tỷ đồng tính tới hết tháng 9/2022. Doanh số hỗ trợ lãi suất tạm tính là hơn 15.000 tỷ đồng và dư nợ được hỗ trợ lãi suất trên 13.000 tỷ đồng…Kết quả thực hiện chính sách này, theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, chưa đạt kỳ vọng, giải ngân thấp so với quy mô nguồn lực.

Về vướng mắc khi triển khai gói phục hồi kinh tế, “tư lệnh” ngành KH-ĐT cho biết: Một số nơi triển khai chưa linh hoạt, chủ động. Thậm chí, còn tình trạng một số chính quyền địa phương đưa ra thêm các thủ tục mới ngoài các thủ tục có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng nhận định: Kết quả thực hiện việc triển khai các Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cụ thể, toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ mới chỉ sử dụng ở cuối tháng 8/2022, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân 1/3 kế hoạch.  “Dù đã có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn rủi ro do tồn tại những bất cập trong khung pháp lý, một số doanh nghiệp có tâm lý co cụm, không mạnh dạn mở rộng kinh doanh”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho biết.

Khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ là ở việc sử dụng các chính sách tài khoá tiền tệ, mà còn phải cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh: Mục đích của gói kích cầu là để hỗ trợ cho nền kinh tế tăng thêm khoảng 1,5 - 2%. Đây là những tín hiệu khả quan bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, một số phần việc trong Nghị quyết số 43 vẫn chưa thực hiện thành công, đặc biệt là phần gói hỗ trợ lãi suất 2%.

"Chúng ta chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên tổng số 16.035 tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân trong năm 2022), tức là chưa được 1%, chỉ có được 0,08%. Điều mà các doanh nghiệp đang mong chờ, nếu giải ngân được thì chắc là nền kinh tế không phải chỉ phát triển hơn 8%, mà có thể phát triển cao hơn nữa", đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan làm rõ lý do của việc chậm giải ngân, tìm cách tháo gỡ phần giải ngân gói hỗ trợ này trong 2023, để giữ được nhịp tăng trưởng cao trong những năm qua, tạo đà cho những năm tới đạt được chỉ tiêu như Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Clip chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV về tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp:

Bài, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội (KTXH) năm 2022, tại phiên thảo luận ở tổ ngày 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội khi thẳng thắn nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN