Thuỷ sản đối diện áp lực chi phí và nguyên liệu

Chi phí sản xuất tăng, nguyên liệu hạn chế và nhu cầu thị trường có phần cầm chừng là những nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm khó "bùng nổ".

Chú thích ảnh
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Kim ngạch “đội giá”

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong 5 tháng đầu năm ngành tôm có mức tăng trưởng rất khích lệ; tôm thương phẩm tăng trên 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bước sang tháng 6 xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm với mức giảm 1%.

Bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho rằng, nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU "chững" được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán; hậu quả COVID-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay. Lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.

Cùng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta phân tích, chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cuối năm 2021, hậu quả COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến, dồn việc trả đơn sang nửa đầu năm 2022.

Theo ông Hồ Quốc Lực, nửa cuối năm xuất khẩu tôm khó bùng nổ khi chịu nhiều tác động từ chi phí sản xuất, nguồn nguyên liệu và thị trường. Xuất phát từ biến đổi khí hậu khiến nước trên hệ thống sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm không đáp ứng nhu cầu phát triển con tôm. Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến do ảnh hưởng bởi dịch bênh làm tôm chậm lớn, chết rải rác người nuôi phải thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng.

Nếu mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính của năm, đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến thì năm nay mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3; thậm chí có ngày còn ít hơn, chỉ 1/2. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước, điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng.

Trong bối cảnh nêu trên, tại thị trường Mỹ, giá cả tiêu thụ lại có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến tôm Việt chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. 

Hoàn cảnh này, thị trường mục tiêu là Nhật Bản. Mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt, toàn là hàng tinh chế. Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh, nhưng rất phù hợp trong bối cảnh tình hình xuất khẩu tôm hiện nay.

Mặt khác chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn các thị trường Mỹ và EU cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ. Năm 2022, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn tôm thương phẩm. Mục tiêu trên còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có cơ sở là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn.

Giải bài toán chi phí và nguyên liệu

Các doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, hiện nay họ đang gánh nhiều khoản chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ngành hàng.

Bà Tạ Hà nêu vấn đề, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch COVID-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng từ 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container 40 feet qua bờ Đông nước Mỹ thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/container, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới Tp.Hồ Chí Minh(chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/container.

Xăng dầu tăng cao là nguyên nhân khiến 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Theo thống kê của cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa), cho tới tháng 7/2022, đã có hơn 90% tàu đánh bắt không được hỗ trợ xăng dầu đã ngưng hoạt động. Sản lượng hải sản cập cảng cũng giảm từ 30-40%, chủ yếu từ các tàu đánh bắt ngắn ngày. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.

Giá xăng dầu tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các  doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau COVID-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ. Một thách thức, khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Uỷ ban Hải sản VASEP thông tin, sau nhiều nỗ lực, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.

Đối với việc phát triển nguyên liệu nuôi trồng, hiện chiếm 70% nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thực lớn cho doanh nghiệp và người nuôi thuỷ sản.

Do vậy, trong kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, VASEP đề xuất cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai; trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thuỷ sản thế giới.

Xuân Anh  (TTXVN)
Nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản
Nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản

Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản nửa đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, song cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn cần được tháo gỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN