Thủy điện Đăkđrinh dân chờ tái định cư

Hiện nay thủy điện Đăkđrinh trên địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã tổ chức ngăn dòng tích nước sản xuất điện. Công tác di dời hơn 250 hộ dân với 800 khẩu ở ba xã Sơn Lâm, Sơn Liên, Sơn Dung của huyện Sơn Tây ra khỏi lòng hồ đã được thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này công tác di dân tái định cư vẫn còn rất chậm, trong tổng số bốn khu tái định cư thì chỉ có một khu hoàn thành và người dân vào ở, còn các khu khác hiện vẫn đang xây dựng.

Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia quyết định đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện Đăkđrinh tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Toàn bộ diện tích chiếm đất của dự án khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích ngập lòng hồ trên 900 ha thuộc bốn xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Tân huyện Sơn Tây và một phần diện tích của huyện KongPlong, tỉnh Kon Tum. Theo thỏa thuận thì phần xây lắp công trình nhà máy thủy điện (TĐ) do Công ty TĐ Đăkđrinh thuộc Tập đoàn Dầu khí thực hiện. Phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư do UBND huyện Sơn Tây phụ trách.

 

Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân phục vụ thủy điện Đăkđrinh. Các đơn vị chức năng tổ chức di dời nhà anh Đinh Văn Non ở thôn Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) ra khỏi vùng ngập. Cao Nguyên - TTXVN


Đến thời điểm này, bốn khu tái định cư trên địa bàn huyện Sơn Tây chỉ có khu dân cư Nước Vương là cơ bản hoàn thành nhà ở cho khoảng 30 hộ dân, các khu dân cư như Nước Lang xã Sơn Dung, khu tái định cư Anh Nhoi 1, Anh Nhoi 2 xã Sơn Long mới bắt đầu tiến hành xây dựng nhà cho các hộ dân. Các hộ dân sau khi dọn ra khỏi lòng hồ TĐ phải dựng nhà tạm để ở hoặc sống nhờ ở nhà người thân. Nguyên nhân dân đến các khu tái định cư chậm là do giai đoạn đầu một số hộ dân không đồng ý vào tái định cư, quá trình giải phóng và chọn mặt bằng gặp vướng mắc về bồi thường, Ban quản lý dự án tái định cư của huyện thiếu sự đôn đốc, kiểm tra tiến độ các đơn vị thi công.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư của các dự án, công trình TĐ chưa được đánh giá thực sự đầy đủ, toàn diện. Việc phối hợp, quản lý, theo dõi, thống kê gặp không ít khó khăn và chưa phản ánh sát thực tế. Tiến độ thu hồi, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản; việc triển khai phương án sản xuất, phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ tái định cư; công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm so với yêu cầu, chưa phù hợp với phong tục, tập quán người dân địa phương. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho một số hộ dân tái định cư chưa được triển khai sâu rộng. Tại một số dự án TĐ, đất sản xuất tại điểm, khu tái định cư chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nước; an ninh lương thực của một số hộ dân tái định cư bị đe dọa; số hộ nghèo của các dự án TĐ còn nhiều.


Ông Trần Minh Tuấn, Phó ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tây cho biết: Hiện đang là mùa mưa của Quảng Ngãi nên việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, nếu thời tiết trong những ngày tới thuận lợi thì chỉ cần khoảng một tháng chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư. Dự kiến trước Tết Nguyên đán 2014 bà con sẽ được dọn đến ở. Tuy nhiên, ngoài các hộ dân đã di chuyển đến khu tái định cư cũng như nơi ở tạm thì đến thời điểm này vẫn còn 19 hộ dân không thuộc diện tái định cư của hai xã Sơn Dung (7 hộ) và Sơn Long (12 hộ) đang sống quanh hồ. Nguyên nhân là những hộ dân này không thuộc diện tái định cư vì khi quy hoạch vùng lòng hồ, chủ đầu tư chỉ tính đến vùng ngập nước của hồ TĐ để di dời tái định cư, còn những hộ ở trên vùng ngập nước thì không được tính.

Chính vì vậy, 19 hộ gia đình với gần 100 khẩu đã “bị bỏ quên” không được đưa vào diện di dời đến khu tái định cư. Điều này đã khiến người dân lo lắng. Anh Đinh Văn Điếc, thôn Nước Lang, xã Sơn Dung cho biết: “Thấy những hộ khác được tái định cư hết, nhưng bảy hộ của xóm tôi và một số hộ xã bên cạnh không có danh sách nên vẫn phải sống ở đây. Chúng tôi cũng muốn được tái định cư, vì ở đây cuộc sống rất khó khăn, không có đường đi, không điện, nước, con cái không đi học được. Hơn nữa, khi nước trong lòng hồ dâng cao, nhà của tôi chỉ ở cao hơn mực nước hơn một mét, nên rất nguy hiểm”.


Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay: “Chúng tôi đã chuẩn bị mặt bằng cho các hộ dân này, chỉ cần bà con đồng ý là có thể dỡ nhà để dọn đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Nhưng các hộ dân này chỉ được hỗ trợ mặt bằng nơi ở mới chứ không được bồi thường do nằm trên cao trình ngập nước của khu vực lòng hồ. Vì vậy, nếu di dời đến nơi ở mới họ không được hỗ trợ về mặt nhà ở, đền bù như các hộ khác nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên bà con vẫn sống ven hồ”.


Khi bố trí tái định cư cho người dân thuộc diện di dời cho các dự án, thì chủ trương nhất quán là “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”. Vì vậy, mong rằng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn thành các khu tái định cư để người dân có nơi ở an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

 

Đinh Hương

Phải coi trọng chất lượng công trình

Việc triển khai quá nhiều dự án TĐ là hậu quả của một thời rộ lên phong trào “cả làng làm TĐ”. Thời điểm đó, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh rất thiếu, trong khi đó nguy cơ thiếu điện luôn tiềm ẩn. Mặt khác, các doanh nghiệp hy vọng đầu tư vào TĐ sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch khi đó làm chưa đầy đủ, số doanh nghiệp tham gia làm TĐ có chiều hướng gia tăng. Trong số những công trình đạt được mục đích đề ra thì cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng. Bây giờ, yếu tố an toàn, đảm bảo chất lượng và bảo đảm môi trường đối với các công trình TĐ phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, việc rà soát TĐ để đảm bảo các yếu tố theo quy định được nhà nước đặc biệt quan tâm. Những dự án không bảo đảm an toàn, không phù hợp theo yêu cầu quy định thì loại bỏ khỏi quy hoạch để tập trung cho những dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội.

 

Quy hoạch chưa rõ

Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ chưa quy định rõ ràng. Ngoài ra, quy hoạch TĐ nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội. TĐ nhỏ chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất... còn thiếu. Mặt khác, do tình hình đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực các dự án TĐ nhỏ còn chậm, khó khả thi, hiệu quả kinh tế của các dự án này giảm rõ rệt, không thu hút được đầu tư.

Ông Trương Văn Vở, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xả lũ gây thiệt hại

Theo tôi, việc xả lũ các hồ TĐ làm ngập úng vùng hạ du, gây thiệt hại tới tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân phải điều tra kỹ, xem lỗi khách quan đến đâu. Nếu các nhà máy TĐ thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, xả lũ không báo trước cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, cùng với các cơ quan hữu quan cần điều tra độc lập để tránh bao che. Nếu chưa có điều tra gì mà kết luận là không đúng quy trình, võ đoán. Cho nên phải điều tra việc xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng, thời điểm xả lũ vào đúng lúc xảy ra lũ lớn trong thời gian qua đã chứng mình việc đó, và hậu quả là rất lớn.

Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

 

Bảo đảm quyền lợi cho người dân

Quy hoạch các dự án TĐ cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư và người bị ảnh hưởng, có quy định về điều kiện chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư dự án TĐ. Tăng cường giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình TĐ, xây dựng cơ chế đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng dự án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng được tính một cách đầy đủ ngay từ bước đầu. Xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu của các bên liên quan. Xem xét đến những chi phí và phương án thực hiện khi dừng nhà máy TĐ.

Đào Việt Nga, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN