Shopee Korea cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 3 lần trong 5 năm qua. Trong sự kiện giảm giá quy mô lớn "Ngày siêu mua sắm 9/9", Việt Nam đứng đầu về số lượng đơn hàng và đứng thứ hai về doanh số bán hàng trong số tất cả thị trường mà Shopee tổ chức sự kiện. Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer của Mỹ cũng đã chọn Việt Nam là một trong 5 quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Shopee Korea nêu rõ sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc là danh mục bán chạy nhất trên Shopee Việt Nam. Tính riêng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2023, số lượng đơn hàng tích lũy của các sản phẩm làm đẹp đã tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ các thương hiệu lâu đời mà ngay cả thương hiệu mới ra mắt cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Đơn cử như thương hiệu mỹ phẩm nội địa vừa gia nhập thị trường là 'Torriden' và "d'Alba" đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng gấp lần lượt 28 và 20 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đứng ngay sau sản phẩm làm đẹp là các sản phẩm liên quan đến K-pop, theo đó, tính đến hết tháng 8/2023, số đơn đặt hàng tích lũy và doanh số của mặt hàng này tăng lần lượt là 109% và 278% so với năm ngoái.
Shopee Korea dự đoán nhu cầu các sản phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó có cả sản phẩm làm đẹp, sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Hàn Quốc cao nhất. Đối tượng khách hàng chính thường là nữ giới, có độ tuổi từ 20-30, chịu ảnh hưởng lớn từ Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu).