Thuế Mỹ khó lường, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Trước diễn biến chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xoay quanh những tác động và giải pháp ứng phó.

Thưa ông, việc Mỹ tăng thuế đối ứng sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay?

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay sẽ làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ, khó tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, việc tăng thuế quan quá cao sẽ tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc trên thị trường quốc tế từ trước đến nay, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Chú thích ảnh
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Vậy ông đánh giá như thế nào về các động lực tăng trưởng hiện nay và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%?

Trong quý I/2025, xuất khẩu và FDI tăng trưởng tốt, đóng vai trò là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay lại phải đối diện với sức ép lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Những tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn của đầu tư FDI, bởi bối cảnh thế giới càng bất ổn, doanh nghiệp càng chần chừ đầu tư. Có thể các doanh nghiệp FDI vẫn vào Việt Nam để tận dụng các FTA, lao động giá rẻ nhưng họ đang gặp rào cản ở thị trường lớn nhất là thị trường Mỹ.

Về đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ chính sách ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Để thu hút được đầu tư tư nhân, cần phải tạo môi trường kinh doanh, thể chế ổn định trong nhiều năm, nhiều thời kỳ, kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, chứ nếu thay đổi quá thường xuyên thì các doanh nghiệp sẽ không đầu tư lâu dài.

Tiêu dùng cũng không phải là một động lực tăng trưởng có thể bứt phá trong năm nay, khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong những năm gần đây, khiến sức mua đã bị hạn chế đi rất nhiều. Bên cạnh đó, sự tăng nóng của thị trường bất động sản, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý cũng làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân.

Đối với đầu tư công, yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chủ quan trong triển khai. Nếu gỡ bỏ được những rủi ro về pháp lý, khơi thông các dự án thì sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế, chúng ta nên hiểu đó là mục tiêu để phấn đấu hơn là mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá. Nếu quá dễ dãi với tín dụng, chính sách tiền tệ và giải ngân đầu tư công để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, mất giá tiền tệ, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là bong bóng giá tài sản sẽ xuất hiện.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để ứng phó với chính sách thuế quan khó lường của Mỹ?

Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và giảm mức thuế này xuống 10% với các nền kinh tế không "trả đũa". Đây là thời gian cần thiết để tăng cường đàm phán và xây dựng các kịch bản phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, dù kết quả của các cuộc đàm phán sắp tới như thế nào, thì "cuộc chơi" thương mại toàn cầu cũng đã thay đổi, không thể quay về mức thuế quan như trước. Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn. Đồng thời cần rà soát lại từng ngành hàng, đánh giá lại các tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, và phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để tránh những rủi ro trong chính sách thương mại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc
Không khí lạnh tràn về gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc
Không khí lạnh tràn về gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc

Dự báo trong ngày và đêm 12/4, không khí lạnh đổ bộ miền Bắc, gây mưa lớn ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN