Rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố giảm thuế nhập khẩu về mức 10% và tạm hoãn áp dụng trong 90 ngày đối với các quốc gia không có hành động trả đũa thương mại với Mỹ. Động thái này vừa mang tính chiến lược, vừa phản ánh nỗ lực tái lập cán cân thương mại toàn cầu giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị và chuyển dịch chuỗi cung ứng hậu toàn cầu hóa.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, thời gian tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày là cơ hội chiến lược để các quốc gia chứng minh năng lực thích ứng và cam kết minh bạch thương mại.
"Với Việt Nam, quyết định này có nhiều ý nghĩa như: Gia tăng xuất khẩu có chọn lọc vào thị trường Mỹ trong thời điểm các đối thủ cạnh tranh bị ảnh hưởng thuế cao; thu hút dòng vốn FDI đang “chạy tránh rủi ro” từ những điểm nóng thương mại toàn cầu; tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng nội địa, đặc biệt trong các ngành có giá trị gia tăng cao như điện tử, máy móc, chế biến nông sản", ông Huy cho hay.
Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá tích cực phản ứng của Việt Nam về thuế quan. Ảnh minh họa TTXVN.
Cũng theo chuyên gia, đi cùng với cơ hội là áp lực, nếu không tận dụng tốt "giai đoạn tạm hoãn", Việt Nam có thể mất vị thế chiến lược vào tay các nền kinh tế phản ứng linh hoạt hơn.
Ông Huy chỉ ra ba thách thức lớn của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất là rủi ro trung chuyển và gian lận thương mại. Việt Nam từng bị các đối tác lớn như Mỹ, EU cảnh báo về việc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa tránh thuế. Trong bối cảnh kiểm soát thương mại đang siết chặt, duy trì sự minh bạch về xuất xứ và chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn.
Thứ hai là phụ thuộc đầu vào từ một số quốc gia lớn. Nhiều ngành chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử, da giày,... vẫn lệ thuộc nặng nề vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ một số nền kinh tế châu Á. Sự thiếu chủ động này làm tăng rủi ro khi có biến động chính sách, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc thay đổi tỷ giá.
Thứ ba là hệ sinh thái quản trị rủi ro thương mại quốc gia cần cải thiện tốt hơn nữa. Việt Nam cần hoàn thiện thể chế để đánh giá, cảnh báo và phòng vệ trước các rủi ro thương mại mang tính hệ thống, từ chính sách thuế toàn cầu đến các cú sốc địa chính trị và thị trường hàng hóa.
Bàn về một số giải pháp trong thời gian tới, ông Huy cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Trước tiên cần chủ động, tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ; nâng cao năng lực pháp lý và kỹ thuật trong xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ, và đa dạng hóa thị trường.
Với các doanh nghiệp, ông Huy nhấn mạnh, cần chuẩn hóa và minh bạch chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nên đầu tư truy xuất nguồn gốc số (blockchain, QR code, mã vạch số hóa) để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ và xuất xứ nội địa rõ ràng; tách bạch rõ ràng nguyên liệu trong nước – nhập khẩu từ nước có nguy cơ cao có xung đột thương mại quốc tế mạnh với Mỹ; đăng ký nhãn hiệu, mã HS, hồ sơ chứng nhận ngay từ đầu để sẵn sàng cung cấp minh chứng khi bị điều tra.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó phòng vệ thương mại: tổ chức bộ phận chuyên trách về phòng vệ thương mại, không đợi khi bị kiện mới “chữa cháy”; tham gia các khóa đào tạo, diễn đàn luật quốc tế, hợp tác với luật sư chuyên về WTO, DOC, ITC, đặc biệt là tại Mỹ và EU; chủ động phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, xây dựng bộ hồ sơ chuẩn bị trước các kịch bản bị điều tra.
"Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, chuyển từ “gia công giá rẻ” sang “sáng tạo giá trị cao”, thoát khỏi mô hình phụ thuộc nguyên liệu, gia công giá rẻ, dễ bị cáo buộc bán phá giá", ông Huy lưu ý thêm.