Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraina; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá dầu thô và các hàng hóa, vật tư chiến lược tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đối tác kinh tế lớn… đã ảnh hưởng bất lợi đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Song theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, linh hoạt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. GDP tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2020, 2021 và đạt mức tương đương các năm trước dịch; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt trên 435 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 16,8%) và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
“Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, hiện nay thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn… Từ đó dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).
Bối cảnh này đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 435,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 217,73 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 217,48 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 243 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán, góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch COVID-19 cùng một số dịch bệnh khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tình hình xung đột Nga – Ukraine đang gây thêm tác động kép cho kinh tế thế giới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất.
Ông Vũ Bá Phú kiến nghị, sẽ tổ chức giao ban hàng tháng vào ngày làm việc cuối cùng của tháng, đầu mối là lãnh đạo Sở Công Thương địa phương tham gia, hiệp hội và nêu yêu cầu mong muốn với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là kênh trao đổi giữa thương vụ với địa phương và doanh nghiệp hiệu quả.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; Giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu; Tỷ giá của các đồng ngoại tệ có nhiều biến động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu…
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề xuất các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ ngành xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu với thị trường nước ngoài, thường xuyên có thông tin, trao đổi, cập nhật tình hình về thị trường nước ngoài, những cảnh báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để được biết và phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường nước ngoài với thị trường trong nước thông qua các Sở Công Thương để kết nối giữa các doanh nghiệp nước ngoài, các chuỗi siêu thị lớn của nước ngoài, các nhà nhập khẩu với các doanh nghiệp trong nước nhằm đưa hàng hóa của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Tại hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng nêu các đặc trưng, lưu ý của thị trường các nước và đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các quốc gia trên thế giới.