Thừa Thiên-Huế: Đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giết mổ

Xác định các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là nơi có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Sau gần một tháng phải đóng cửa vì phát hiện chùm ca mắc COVID-19, cơ sở giết mổ gia súc tập trung Bãi Dâu, thuộc Công ty Cổ phần phát triển thủy sản Huế, đóng tại phường Phú Hậu, thành phố Huế đã hoạt động trở lại. Nhằm tránh tái diễn dịch bệnh phức tạp như trước, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với cơ sở tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý và phòng, chống dịch COVID-19.  

Ông Đoàn Trung Dũng, nhân viên Công ty Cổ phần phát triển thủy sản Huế cho biết, người ra vào lò mổ Bãi Dâu thực hiện nghiêm túc quy định 5K, quét mã QR, chủ tham gia giết mổ gia súc phải được test nhanh âm tính trong thời gian quy định, thực hiện test nhanh ngẫu nhiên 10% số lao động, khách hàng 3 ngày/lần. Trong vòng 14 ngày phải test nhanh toàn bộ 100% số hộ lao động, khách hàng tại cơ sở giết mổ. Không để người lao động, khách hàng từ "vùng cam, vùng đỏ" vào cơ sở giết mổ.

Anh Trần Trung Hiếu, cán bộ kiểm dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi hoạt động trở lại, công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch được tăng cường; gia súc đưa vào cơ sở giết mổ phải được kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc; tiến hành tiêu độc khử trùng phương tiên vận chuyển, bến bãi tại cơ sở Bãi Dâu nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm tại các địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên nhắc nhở cơ sở giết mổ, chủ mổ và người lao động thực hiện 5K và các biện pháp khác để phòng, chống dịch COVID-19.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 30 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó có 5 cơ sở quy mô giết mổ lớn, từ 100-500 con/ngày. Ước tính trong một ngày đêm, trung bình các cơ sở giết mổ 25 con trâu bò, 2.300 con lợn. Tuy nhiên, khi cơ sở giết mổ gia súc Bãi Dâu quy mô lớn nhất tỉnh tạm ngừng hoạt động, các cơ sở giết mổ gia súc khu vực lân cận phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn.

Tại cơ sở giết mổ tập trung Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, trước đây, bình quân mỗi ngày cơ sở giết mổ từ 150-200 con lợn, hiện nay tăng lên từ 300-400 con/ngày. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và vận hành tốt chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn, cơ sở giết mổ này đã siết chặt phòng dịch.

Ông Lê Quý Kệ, chủ cơ sở giết mổ gia súc Thủy Dương cho hay, công suất lò mổ tăng 70-100% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm nên đơn vị bố trí gần 10 công nhân đảm bảo vệ sinh môi trường trước và sau khi giết mổ. Cơ sở quản lý chặt chẽ người ra vào cơ sở theo quy định và thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch cho lực lượng thú y làm công tác kiểm soát giết mổ, công nhân, người lao động trong cơ sở.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Thủy, phụ trách công tác kiểm dịch tại cơ sở giết mổ Thủy Dương Lê Tri nhấn mạnh, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc và dịch COVID-19, cùng với việc bố trí cán bộ thú y trực 24/24 giờ nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc lợn đưa vào giết mổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, cơ sở yêu cầu tiểu thương đến lấy thịt phải đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế.

Dự kiến những ngày cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm tăng mạnh, tại các cơ sở giết mổ lớn hằng ngày sẽ có hàng trăm người làm việc và tiểu thương có mặt, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc giết mổ, tiêu thụ là một chuỗi nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi, nếu bị đứt gãy ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ và giá cả. Vì vậy, cùng với việc tăng cường nhân lực triển khai tốt công tác kiểm soát, kiểm dịch thú y, ngăn chặn các loại gia súc, gia cầm không đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh đưa vào lò mổ, ngành Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo, khuyến cáo các cơ sở giết mổ gia súc nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng làm việc tại các cơ sở giết mổ phải sử dụng bảo hộ lao động và chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ngoài ra, Chi cục phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tường Vi (TTXVN)
Phát hiện hai cơ sở giết mổ lợn nhiễm bệnh bán ra thị trường
Phát hiện hai cơ sở giết mổ lợn nhiễm bệnh bán ra thị trường

Ngày 25/8, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt quả tang hai cơ sở giết mổ gia súc đang có hành vi giết mổ lợn bị bệnh để bán ra thị trường tại địa bàn huyện Đắk Song và Đắk R'Lấp (tỉnh Đắk Nông).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN