Theo đó, để phát triển chăn nuôi bền vững trong công tác phòng, chống dịch bệnh tả châu Phi trên đàn lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tổ chức nuôi tái đàn lợn; giám sát dịch bệnh; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; chính sách hỗ trợ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề xuất các mục tiêu cụ thể là: trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong năm cuối thực hiện kế hoạch.
Ngoài ra, Sở cũng đặt mục tiêu xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đó, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn.
Bên cạnh đó, có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-01-2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Chăn nuôi) áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Đồng thời, đánh giá các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi để có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả; phối hợp các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp trong nghiên cứu các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.