Thừa Thiên - Huế đầu tư khoảng 8.940 tỷ đồng phát triển thương mại

Theo quy hoạch thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đầu tư khoảng 8.940 tỷ đồng để phát triển thương mại theo hướng "văn minh, hiện đại, xanh và bền vững", gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.

Cụ thể, đến năm 2020, ngành thương mại đóng góp vào GDP của tỉnh đạt tỷ trọng 9 - 11%, đến năm 2025 là 12 - 15% và đến năm 2030 là 13 - 18%; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,25 tỷ USD; năm 2025 là 2,6 tỷ USD và năm 2030 là 5,2 tỷ USD…

Trong đó, hệ thống chợ đến năm 2020, toàn tỉnh có 159 chợ các loại, riêng thành phố Huế 25 chợ; 14 siêu thị và 8 trung tâm thương mại; đến năm 2030, toàn tỉnh có 26 siêu thị và 41 trung tâm thương mại.

Chợ Đông Ba đang được đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng chợ văn minh thương mại. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung xây dựng hệ thống chợ văn minh thương mại. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100% chợ hạng 1, trên 40% chợ hạng 2 và trên 20% chợ hạng 3 được công nhận chợ văn minh thương mại.

Để thực hiện hiệu quả chương trình này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các ban ngành liên quan, các địa phương chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất hệ thống chợ trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của chợ; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ quản lý chợ, kỹ năng bán hàng văn minh thương mại.

Thời gian qua, để đáp ứng các tiêu chí xây dựng chợ văn minh thương mại, một số chợ lớn trên địa bàn, nhất là chợ Đông Ba đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và vận động tiểu thương thay đổi văn hóa kinh doanh, nhằm xây dựng chợ văn minh thương mại. Gần đây, Ban quản lý chợ Đông Ba đã đầu tư 3 tỷ đồng cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn chợ và xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo tiêu chí chợ loại 1...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, biện pháp của tỉnh là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại chợ.

Việc triển khai xây dựng chợ văn minh thương mại phải thực chất, tránh các biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích; tập trung nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của việc công nhận chợ văn minh thương mại, đảm bảo việc công nhận chợ phải đúng thủ tục, tiêu chuẩn, thẩm quyền công nhận.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ văn minh thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng nét đẹp văn hoá trong mua bán tại các chợ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Đồng thời, các địa phương trên địa bàn chủ động đưa hoạt động thương mại ngày càng phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, văn minh thương mại của hệ thống chợ...

Quốc Việt (TTXVN)
Xây dựng chính sách linh hoạt để phát triển thương mại biên giới
Xây dựng chính sách linh hoạt để phát triển thương mại biên giới

Thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển thuận lợi như việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN