Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bắt nhịp thay đổi của thị trường để duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự giảm nhẹ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có nhiều chính sách bất ngờ nhằm bảo hộ, cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp của ngành để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu của cả năm nay.

Xin Thứ trưởng thông tin về kết quả sản xuất, xuất khẩu ngành nông nghiệp tháng đầu năm 2025?

Tháng đầu năm 2025, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn có những kết quả tích cực. Sản xuất lúa tăng so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 166.800 ha, tăng 80%. Các đàn vật nuôi như lợn, gia cầm vẫn tăng trưởng khá từ 1,7 - 3,7%, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm. Sản lượng gỗ khai thác cũng tăng trên 8%. Như vậy, đà tăng trưởng trong các lĩnh vực chính của ngành vẫn duy trì tương đối tốt.

Về xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024.  Như vậy, mục tiêu xuất khẩu của ngành đạt từ 64 - 65 tỷ USD sẽ có những khó khăn, thách thức.

Vậy, yếu tố nào để ngành đạt kết quả như vậy và Bộ sẽ có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả năm nay?

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 giảm nhưng đây mới là tháng đầu năm. Việt Nam có hệ thống sản xuất để duy trì đà tăng trưởng và về đích mục tiêu xuất khẩu. Vừa qua, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu có nhu cầu giảm. 

Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. Nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực. Nhưng, khi xác định được những nguyên nhân này, ngành sẽ xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Halal như: De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… Bộ đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để “bước vào” các thị trường mới, duy trì quy mô, có đà tăng trưởng năm 2025.

Mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (vụ việc DS536) tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?

Để cá tra vào được thị trường Hoa Kỳ và công nhận tương đương không phải chuyện đơn giản. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đi tiên phong có quy mô lớn, chuỗi khép kín, chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng cao. Sau cả quá trình đấu tranh, đàm phán, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đủ điều kiện không bị áp thuế theo quy định của Hoa Kỳ. 

Ngoài Vĩnh Hoàn, có 8 doanh nghiệp khác được xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Các doanh nghiệp này đều có quy mô sản xuất, xuất khẩu lớn và được Hoa Kỳ công nhân sản xuất tương đương. Hàng năm, Hoa Kỳ sang Việt Nam thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm và các doanh nghiệp đều được công nhận hệ thống sản xuất, chế biến tốt, tương đương với Hoa Kỳ.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 17%. Hy vọng, các doanh nghiệp đã được xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng. 

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai GROUP) tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hoa Kỳ sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số nước như: Canada, Mexico, Trung Quốc. Nhiều quốc gia cũng bày tỏ lo ngại về tác động từ các biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ. Nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng, ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu thưa Thứ trưởng?

Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa của Canada, Mexico, Trung Quốc. Dự kiến sẽ có những khó khăn, thách thức khi có những đối đầu trong thương mại giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, được duy trì khá tốt. 

Tại cuộc họp Chính phủ, các bộ, ngành đều nhận định về nguy cơ chiến tranh thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Halal; phối hợp Bộ Công Thương để mở mạnh sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc - đây là hai thị trường lớn. 

Cùng với duy trì mối quan hệ tốt, ngành nông nghiệp xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đây chính là điều kiện để Việt Nam có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, minh bạch. Cùng với đó, khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến được nâng cao để đảm bảo chất lượng, củng cố chuỗi sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Việt Nam có Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ và đây là đầu mối để nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của thị trường này. Do vậy, những thông tin từ Tham tán, Sứ quán sẽ giúp ngành phân tích, thúc đẩy thương mại, tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tổ chức sản xuất bài bản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại. 

Thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao. Xuất khẩu nông, lâm thủy sản Việt Nam đã sang hơn 200 thị trường. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,8%.  Việt Nam đã vào được thị trường này thì phải duy trì. Các chính sách thay đổi rất khó lường. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ bắt nhịp được. Nếu thay đổi sẽ không quá quá bất thường về quy chuẩn chất lượng sản phẩm.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố có thể bắt nhịp được trong những thay đổi bất định của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng (Thực hiện)
Xuất khẩu cá tra thuận lợi ngay từ đầu năm mới
Xuất khẩu cá tra thuận lợi ngay từ đầu năm mới

Xuất khẩu cá tra đang rất thuận lợi, tăng trưởng mạnh ngay từ tháng đầu năm, đã khiến giá cá tra tại các ao nuôi tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm xuất khẩu cá tra chinh phục những cột mốc mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN