Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, ở phương án 1, nếu áp dụng mức giảm phí cho các phương tiện trong phạm vi bán kính 3km quanh trạm thì mỗi năm nguồn thu của trạm sẽ giảm 51 tỷ đồng so với mức thu hiện tại.
Còn nếu áp dụng trong bán kính 5km quanh trạm, nguồn thu sẽ giảm khoảng 80 tỷ đồng/năm. Ở phương án hai, nguồn thu sẽ giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với phương án tài chính của dự án.
Nếu áp dụng phương án 1 sẽ không ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án. Nhưng nếu thực hiện theo phương án 2, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thêm cho nhà đầu tư 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ 2018 - 2025.
Do đó, đây là phương án khó khả thi. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án thứ nhất, đồng thời Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết chi phí giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là phần vốn hỗ trợ mà Nhà nước đã cam kết, chiếm 39% tổng vốn của dự án.
Vì sao lại thu phí Quốc lộ 5 hỗ trợ cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng?
Liên quan đến phản ứng của các tài xế khi lưu thông trên Quốc lộ 5, nhưng lại phải đóng phí cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến Quốc lộ 5 có đặc thù so với các tuyến đường BOT thông thường, bởi trước đây tuyến đường này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước đi vay, sau đó tiến hành thu phí để trả nợ cho ngân sách Nhà nước.
Để tránh quá tải cho tuyến đường này, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phần hỗ trợ của Nhà nước vào dự án bao gồm: quyền thu phí trên Quốc lộ 5, quỹ đất dọc tuyến đường và 4.000 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng…
Do đó, dòng tiền thu phí từ Quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. “Đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm đó cũng không có quy định nào cấm không được làm như vậy”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Năm 2009, hai trạm thu phí Quốc lộ 5 được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi - nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), nhưng đến năm 2012, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương ra đời, Thủ tướng đồng ý bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với trạm thu phí đã chuyển sang hỗ trợ dự án BOT như trạm Quốc lộ 5 đã có cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư bằng hợp đồng nên vẫn thực hiện theo hợp đồng.
“Chính sách áp dụng trên nền tảng pháp luật khi đó và Nhà nước đã cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng. Nếu hồi tố, bỏ trạm thu phí trên Quốc lộ 5 thì phá vỡ phương án tài chính đã thống nhất, Nhà nước phải lấy ngân sách để bù thì không còn ngân sách để đầu tư trong 5-7 năm tới khi ngân sách chỉ đủ trả dần nếu mua lại các dự án BOT”- ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) bổ sung thêm, theo phương án tài chính gốc, Nhà nước phải hỗ trợ cho Vidifi 39% tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; trong đó có quyền thu phí Quốc lộ 5.
“Nhưng với 2 phương án giảm phí mà Vidifi đề xuất thì sự hỗ trợ của Nhà nước phải tăng lên bên cạnh phương án tài chính gốc. Bởi vì, bất kể sự giảm phí nào trên quốc lộ 5 hay cao tốc cũng đều làm tăng sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Huy chia sẻ.
Nhà đầu tư nói gì?
Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi - nhà đầu tư) cho biết, trong quyết định ban đầu của Thủ tướng Chính phủ, Vidifi được phép thu phí, không phải bỏ chi phí bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 5, nhưng thực tế không hoàn toàn được thực hiện như vậy.
Theo ông Chiến, trong 8 năm thu phí (từ 2009 - 2016) vì mức phí thấp nên tổng doanh thu thu phí Quốc lộ 5 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT), còn lại gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Quốc lộ 5 xuống cấp, trong giai đoạn từ 2013 - 2016, nguồn thu phí từ Quốc lộ 5 đã phải bỏ ra để sửa chữa tuyến đường này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
“Tính cả chi phí quản lý, bảo trì mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng, nguồn thu tại Quốc lộ 5 chưa hỗ trợ được dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như dự kiến ban đầu”, ông Chiến nói và cho biết thêm, Quốc lộ 5 đã được đại tu cách đây 18 năm, với chất lượng như hiện nay, nếu không sửa chữa sẽ không thể khai thác tiếp trong thời gian tới.
Ông Chiến cũng cho biết, theo phương án tài chính và các nguồn hỗ trợ cho dự án Nhà nước đã cam kết, để hoàn vốn, dự án sẽ thu phí trên cả tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 với thời gian khoảng 29 năm.
“Nếu không thu phí Quốc lộ 5, kéo theo đó là 30% lượng xe từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chuyển sang đi trên Quốc lộ 5 để không mất phí, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ phá vỡ”, ông Chiến nói và chia sẻ, doanh thu của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2016 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi lãi vay phải trả là 2.800 tỷ đồng. Nếu chỉ thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà không có phần hỗ trợ của Nhà nước thì không thể hoàn vốn dự án.
Cũng theo chia sẻ của ông Chiến: “Người dân, doanh nghiệp phàn nàn là không đi trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà phải đóng phí cao tốc về phần nào đó họ chưa nhận thức được hết ý nghĩa khi đưa cao tốc vào sử dụng. Bởi cao tốc đã chia sẻ lưu lượng xe cho Quốc lộ 5, khi đó người dân đi trên Quốc lộ 5 rõ ràng sẽ thông thoáng, an toàn, nhanh hơn trước. Đấy là cái lợi có thể nhìn thấy ngay. Còn về lâu dài, dự án có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội đối với cả vùng kinh tế Bắc bộ thì mọi người dân đều được hưởng lợi. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp nên có sự chia sẻ với nhà nước, nhà đầu tư”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho rằng, phương án giảm phí chung đối với 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5, chủ đầu tư đã thực hiện 2 lần giảm phí. Thứ nhất, theo tinh thần chỉ đạo của Nghị Quyết 35 của Chính phủ, Vidifi đã giảm 1 lần và lần này là lần giảm thứ 2.
Về các giải pháp đảm bảo an toàn trật tự tại các trạm thu phí BOT, đặc biệt là việc chống ùn tắc, người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin: “Tới đây, Tổng cục sẽ chỉ đạo tất cả các trạm BOT; trong đó có Quốc lộ 5 sẽ phải phân luồng theo hướng một làn đi và một làn về tại mỗi trạm, đồng thời áp dụng thu phí tự động không dừng tại các làn này. Cụ thể, các làn xe này sẽ được ưu tiên các xe đã nộp phí trước (xe mua vé quý, vé tháng, xe ưu tiên…). Giải pháp này sẽ giảm được nguy cơ ùn tắc tại các trạm thu phí.