Đánh giá về tiến độ thu ngân sách do ngành hải quan quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng: Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng năm nay phù hợp với kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 12% khiến số thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ số thu thuế xuất nhập khẩu giảm còn là do một số chính sách giảm thuế và xuất siêu 8 tháng qua ước tính hơn 20 tỷ USD nên số thu ngân sách giảm tương ứng.
Tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Thống kê mới đây, đà sụt giảm xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chậm lại. Nếu so sánh với các tháng 5/2023, 6/2023 và tháng 7/2023, mức tăng của tháng 8/2023 là rất khả quan. Các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu hơn 20 tỷ USD.
Trong tháng 8/2023, một số mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt như: Rau quả, hạt điều, cà phê và gạo. Đà sụt giảm ở những nhóm hàng khác cũng tiếp tục chậm lại và ghi nhận những tín hiệu khả quan, trong đó có ngành Gỗ.
Dù tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều khó khăn, ngành Hải quan cũng phải đối mặt không ít thách thức để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), đơn hàng hiện giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do người dân các quốc gia thắt chặt chi tiêu và thói quen tiêu dùng thay đổi rõ rệt sau COVID-19 hướng tới những sản phẩm xanh, hữu dụng và ít thay đổi mẫu mã. Điều này khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp điện tử mỏng và doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực thu đủ bù chi để đảm bảo lực lượng sản xuất, chờ đón kinh tế khởi sắc hơn.
Tương tự đối với mặt hàng thủy sản, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho rằng: Từ quý 4/2022, tốc độ sụt giảm rất nhanh khi lạm phát lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại những thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản..., đến nay, không ít doanh nghiệp đã bị tụt dốc doanh thu từ 30 tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, ngành Hải quan tập trung chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tính chung 8 tháng qua, cơ quan Hải quan các cấp đã bắt giữ xấp xỉ 1,5 tấn ma túy. Đây là kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cơ quan Hải quan trong chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tháng 8/2023 không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, GLTM và hàng giả. Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang...., tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như pháo nổ, ma túy, động vật hoang dã, lâm sản, thuốc lá, đường kính, dầu D/O...
Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp trong tháng 8/2023 nhưng giảm so với tháng trước... Các đối tượng lợi dụng loại hình H11 (hàng nhập khẩu khác) để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới về Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước khác tiêu thụ. Thủ đoạn cất giấu của chúng thường ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm... Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM: Cảnh báo đối tượng, tuyến đường, thủ đoạn cất giấu chất ma tuý; cảnh báo thủ đoạn vận chuyển hàng hoá vi phạm pháp luật qua tuyến hàng không; trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát ma túy.
Từ ngày 16/7 - 15/8, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.513 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 265 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 01 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 09 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) là 32 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng năm nay (từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/8/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.329 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.435 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 22 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 78 vụ. Số tiền thu nộp NSNN là 363 tỷ đồng.