Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giúp tăng khả năng cạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tổng vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, và ngành nông nghiệp đang xúc tiến nhiều giải pháp mạnh dạn để chào mời các doanh nghiệp FDI.
Nhiều rào cản
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào nông nghiệp hầu hết thuộc về đất đai. Muốn đầu tư vào nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp phải có trong tay diện tích đất lớn nhưng khi triển khai lại vướng công tác đền bù, giải tỏa hoặc bị “hành” bởi những quy định, luật... chồng chéo. “Để khắc phục vướng mắc này, chúng tôi chủ động ký kết với chính nhà nông. Nhưng phải nói hiện rất phổ biến tình trạng nhà nông rất dễ phá vỡ hợp đồng, trong khi đó chúng tôi lại chưa được luật pháp bảo vệ nên rất khó yên tâm bỏ một số vốn lớn để đầu tư”, đại diện Công ty Nestle, cho biết.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng nông nghiệp Việt vẫn chưa thu hút được nhiều nguồn vốn FDI. |
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy trong 5 năm qua, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,5 - 1% tổng vốn FDI cả nước, trong đó chủ yếu đến từ các quốc gia và lãnh thổ trong khu vực như: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... và chưa có nhiều sự hiện diện của những nước có nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến. Riêng hơn 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số này có nhích lên, khoảng 1,4% với quy mô trung bình 7 triệu USD/dự án, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của ngành.
Nguyên nhân là do môi trường đầu tư vẫn chưa thật sự minh bạch, còn sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó dù một số luật, chính sách liên quan như Luật Đất đai, các quy định về thuế... đã được ban hành, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản toàn diện thống nhất quy định chính sách, biện pháp ưu đãi hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra việc thiếu chính sách phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, thiếu quy định về hỗ trợ kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp cũng đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Có nhiều năm theo dõi tình hình vốn FDI vào nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng hiện ngành nông nghiệp vẫn còn bị động trong việc quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như những dự án cụ thể cần ưu tiên vận động trong lĩnh vực nông nghiệp. Song song đó, việc thường xuyên thay đổi, thiếu những chính sách, quy hoạch mang tính dài hơi của các địa phương, bộ ngành cũng là nguyên nhân làm cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ nản lòng. Thời gian tới, tình hình sẽ có thể được cải thiện hơn khi Việt Nam hoàn thành đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định kinh tế quan trọng như FTA Việt Nam - EU, hay TPP...
Sẽ có nhiều ưu đãi hơn
Bộ NN-PTNT đang xúc tiến xây dựng, ban hành nghị định thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Một trong những nội dung mới mà nghị định lần này đưa ra là sẽ mạnh dạn ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp, tương tự như chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong nước. Theo đó, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở vùng đặc biệt khó khăn theo hướng miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đặc biệt ưu đãi; miễn giảm tiền sử dụng đất 15 năm cho dự án ưu đãi... và đặc biệt sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI trong đào tạo nghề và đầu tư hỗ trợ về hạ tầng xã hội, cánh đồng mẫu lớn. Các ngành chức năng sẽ có cơ chế linh hoạt trong việc huy động vốn nhằm giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu.
Ngoài các chính sách từ nghị định mới, theo các chuyên gia trong ngành, ngành chức năng cần quan tâm đến việc đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước để phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp. Điều này cần ghi rõ trong nghị định và có giải pháp cụ thể thực hiện. “Nghị định mới lần này của Bộ NN - PTNT bám sát nguyên tắc nhất quán là không phân biệt trong việc ưu đãi đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tiếp cận nguyên liệu, tài nguyên... Về phía Nhà nước sẽ có chính sách bảo lãnh thực hiện những dự án lớn; thực hiện chính sách thuê đất, chính sách tích tụ đất, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác với từng hộ nông dân, cung cấp đất sạch cho dự án liên quan tới nông nghiệp, nông thôn khi có yêu cầu; khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thực hiện các dự án”, luật sư Phạm Mạnh Dũng, hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers, người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo dự thảo nghị định cho biết.