Thu hút đầu tư vào KCX-KCN tại TP. Hồ Chí Minh - Bài 2: Phát triển theo chiều sâu

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố theo định hướng mới, nâng tầm về chất lượng và chiều sâu để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.000 ha. Giai đoạn 2016 - 2025 các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 6 - 8 tỷ USD.

Chuyển đổi mô hình cũ

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, định hướng của thành phố từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp xanh, sạch và khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng các khu công nghiệp mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

Một góc Khu công nghiệp Tân Tạo, huyện Bình Chánh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN.

Theo đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy hiệu quả của các khu chế xuất, khu công nghiệp cần xây dựng các cụm ngành công nghiệp trọng yếu gắn với công nghiệp hỗ trợ theo hướng liên kết vùng, đồng thời đảm bảo tính liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, từng bước liên kết các khu chế xuất, khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đề xuất cần quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng hình thành các cụm ngành công nghiệp chuyên ngành như cụm công nghiệp dệt may và da giày; cụm công nghiệp cơ khí và công nghiệp ô tô; cụm công nghiệp hóa nhựa cao su; cụm công nghiệp điện tử và công nghệ cao.

Đặc biệt, cần ưu tiên cụm ngành công nghiệp ngành cao su nhựa và cụm ngành cơ khí là hai cụm ngành quan trọng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố vì sản phẩm từ hai ngành này cung cấp hầu hết cho các ngành còn lại, đồng thời có khả năng kích thích nâng cao giá trị gia tăng cho toàn bộ nền kinh tế do có tác động lan tỏa theo hướng liên kết đầu vào.

Mặt khác, để các cụm ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối với doanh nghiệp phụ trợ. Với thực tế hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vì vậy cần có giải pháp thực tế để kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ của địa phương. Có thể áp dụng cơ chế cam kết về liên kết như một điều kiện ràng buộc khi cấp phép cho các doanh nghiệp FDI.

Thu hút đầu tư công nghệ cao

Ông Dương Minh Tâm, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu chế xuất, khu công nghiệp bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời tạo điều kiện để các khu công nghiệp phát triển lên khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu suất sử dụng quỹ đất đã được quy hoạch bằng việc đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng; có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư cho các công ty đầu tư hạ tầng để hạ giá cho thuê mặt bằng, nâng cao khả năng thu hút đầu tư cho các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đối với các công ty hạ tầng không nên chỉ hướng tới chuyện lấp đầy, thu phí mặt bằng mà phải tham gia vào việc thúc đẩy sự đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp hiện có, thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng phát triển cụm ngành phù hợp với năng lực chuyên ngành và mối quan hệ thị trường. 


Ở góc độ là nhà đầu tư, ông Atsuo Hanami, Tổng Giám đốc Công ty Renasas Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đang là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn. Tuy nhiên để thu hút và giữ chân được các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp không thể chỉ dựa vào lợi thế giá nhân công rẻ và quỹ đất, bởi trên thực tế, tốc độ tăng lương tại Việt Nam diễn ra khá nhanh và quỹ đất sẽ ngày càng bị thu hẹp lại.

Theo ông Atsuo Hanami, một trong những vấn đề mấu chốt quyết định thành công của các công ty công nghệ cao là chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, nếu định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp theo chiều sâu để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh phải chuẩn bị được nguồn nhân lực có đủ trình độ, kỹ ăng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh làm việc cũng bày tỏ mong muốn thành phố sẽ tiếp tục cải thiện chính sách, nền tảng công nghệ và giao thông để thuận lợi hóa cho việc đầu tư, chia sẻ thông tin cũng như vận chuyển hàng hóa.

Xét cho cùng, để duy trì và phát huy vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cần có lộ trình và chiến lược đổi mới toàn diện. Trong đó, việc quy hoạch phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gắn liền với sự phát triển hạ tầng đô thị, đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà đầu tư và phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố.


Xuân Anh (TTXVN)
Xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất
Xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN