Hướng về người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và được đánh giá là “bước ngoặt lịch sử” mang tính đột phá của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên trong tình hình mới.

Nhiều năm nay, hàng vạn công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, mất an toàn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu... 


Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn


Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, các khu công nghiệp, khu chế xuất này vẫn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, thiếu trạm y tế, nhà văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần, luyện tập thể dục thể thao để tái tạo sức lao động cho công nhân…

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Nam Định trao quà cho công nhân tại khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, cho biết hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định. 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không có các công trình dịch vụ công cộng và tiện ích xã hội kèm theo. Đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở, vui chơi giải trí, khám chữa bệnh, học hành cho con cái.


Chị Hà Thị San, quê ở Tuyên Quang, đang làm việc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, nhà tập thể của công ty chỉ dành cho những lao động chưa có gia đình nên vợ chồng chị phải tự bỏ tiền để căn thuê nhà trọ rộng 12m2 với giá 600.000 đồng/tháng. Do có con nhỏ, chỗ ở chật hẹp, lại xa công ty nên việc sinh hoạt của gia đình chị San gặp không ít khó khăn. “Thu nhập thấp nên tôi chỉ dám thuê nhà trọ giá rẻ để còn dành tiền lo cho con và gửi về quê giúp bố mẹ. Chúng tôi xuất thân nông dân nên chịu khổ quen rồi, chỉ thương bọn trẻ không có chỗ chơi, chịu nhiều thiệt thòi”, Chị San tâm sự.


Tâm sự của chị San cũng là nỗi niềm chung của hàng nghìn lao động tại đây. Điều mà họ mong mỏi không chỉ là được ở nhà tập thể của công ty mà còn muốn có sân chơi cho trẻ em, nhà sinh hoạt văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo và qua khảo sát của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân ở khu công nghiệp còn rất hạn chế, chỉ có 28%.


Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho hay, trong số 16 khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, chỉ có ba trong khu công nghiệp có điểm sinh hoạt văn hóa, chưa có nhà văn hóa. Các điểm sinh hoạt văn hóa ít ỏi này không thể đáp ứng nhu cầu của gần 140.000 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại đây. Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động cũng rất nghèo nàn, không được tổ chức thường xuyên. Nguyên nhân của việc này là do công nhân lao động hiện còn quá ít thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí. Phần lớn các doanh nghiệp đều huy động công nhân làm việc khoảng 10 đến 12 giờ mỗi ngày. 


Vì thế, người lao động chỉ còn thời gian nghỉ ngơi để phục hồi thể lực sau ngày làm việc chứ không nghĩ đến việc gì khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ quan tâm tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh nên không muốn hoặc chỉ dành rất ít thời gian cho các hoạt động ngoài sản xuất, vì vậy, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp dù muốn tổ chức cho công nhân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao cũng rất khó khăn.


Khó khăn trong việc xây dựng thiết chế cho người lao động


Kết quả khảo sát thực tế nhiều năm của Viện Công nhân – Công đoàn ở các khu công nghiệp cho thấy, hàng vạn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, an ninh phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định.


Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000-600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề. Theo nhiều chuyên gia, cho đến nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân, đặc biệt ở các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vì trong quá trình phát triển xây dựng khu công nghiệp, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở.


Phó Giáo sư Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho hay việc đầu tư một cách bài bản, đồng bộ các thiết chế hầu như chưa có, chỉ một số ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhà trẻ, nhà ở, nhà sinh hoạt công cộng cho công nhân lao động nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người lao động. Việc thuê nhà trọ không những không bảo đảm điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, chỗ ở chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, mà còn tiềm ẩn và nảy sinh tệ nạn xã hội, nguy cơ tha hóa một bộ phận công nhân lao động là điều khó tránh khỏi.


Cả hệ thống chính trị vào cuộc


Trước thực trạng đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và được đánh giá là “bước ngoặt lịch sử”, mang tính đột phá của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên trong tình hình mới. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng 40 thiết chế, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn vào năm 2030.


Tại buổi làm việc mới đây với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị về việc hỗ trợ triển khai Đề án xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì hoàn thiện Đề án theo quy định. Theo đó, 50 thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, siêu thị sẽ được triển khai ở 15 địa phương trọng điểm, tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. 


Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai, thuế; huy động kinh phí từ các nguồn, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân. Trước hết, triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... Đây là tiền đề quan trọng, động lực để đội ngũ cán bộ công đoàn quyết tâm chăm lo thiết thực, sát sườn quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Việc triển khai Đề án giúp các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với người lao động dễ dàng, mạnh mẽ hơn.


Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động sẽ được tiến hành khách quan, minh bạch, công khai với sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo chất lượng, mỹ quan, tiến độ. Theo đó, mỗi thiết chế trong Đề án sẽ bao gồm: Khu nhà ở xã hội, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm tư vấn pháp luật và trung tâm văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ mọi tiện ích cho đời sống người lao động. 


Mỗi thiết chế sẽ tập trung xây dựng các khu nhà chung cư giá rẻ, bán cho công nhân trả góp trong khoảng thời gian từ 15 - 20 năm hoặc cho công nhân thuê với giá ưu đãi. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các địa phương hỗ trợ quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng cơ bản để các thiết chế sớm được triển khai thực hiện.

Đỗ Bình (TTXVN)
Công đoàn và doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động
Công đoàn và doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động

Thưởng tháng lương thứ 13, tặng quà đối với những công nhân, viên chức khó khăn hoặc có thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tổ chức những "bữa tiệc" âm nhạc mừng xuân… là một số hoạt động cơ bản đang được nhiều doanh nghiệp và công đoàn các cấp tỉnh Hải Dương quan tâm hướng về người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN