Tham dự buổi họp có 32 BQL KCN - KCX các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào. Đa số các đại biểu cho rằng, vai trò và chức năng quản lý của BQL các KCN - KCX, khu kinh tế, khu công nghệ cao đang bị giảm sút, việc triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư của một khu công nghiệp mới thường kéo dài cho nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính.
Các Ban quản lý KCN -KCX cần có quyền hạn và chức năng để làm tốt vai trò cầu nối với doanh nghiệp và chính quyền. |
Đại diện BQL KCN - KCX Cần Thơ cho hay, càng ngày chức năng và nhiệm vụ của BQL càng bị giảm sút, kéo theo đó rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng như việc tăng thu hút đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất… Nếu BQL không là cơ quan quản lý hành chính nhà nước như trước thì cũng nên cho phép đổi thành cơ quan đầu mối để kết nối doanh nghiệp với chính quyền để tăng thu hút đầu tư.
Nói về những vướng mắc thủ tục thành lập mới tại các KCN – KCX, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban KCN – KCX Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư của một KCN mới thường quá dài. Chẳng hạn như tại các KCN của thành phố, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng không dưới 3 năm, thậm chí có khu kéo dài đến 10 năm. Ngoài ra, quy định về tỷ lệ lấp đầy theo quy định chiếm tới 60% đang gây khó cho các nhà đầu tư.
Để giải quyết những vướng mắc trên, đa số đại diện các BQL KCN-KCX các tỉnh thành phía Nam cho rằng, cần tăng quyền hạn và chức năng cho các BQL, đặc biệt là nên sớm cho ra đời Luật chuyên ngành KCN – KCX.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết cả nước có 324 KCN ở 62/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ lấp đầy của các khu là 73%, cao nhất trong các năm. Hiện các doanh nghiệp trong KCN – KCX đóng góp khá nhiều cho GDP.
“Vụ đồng ý với các BQL là xây dựng luật chuyên ngành cho KCN-KCX vì các khu này mang tính chất đặc thù và đóng góp khá nhiều cho sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành nói riêng và cả nước nói chung”, ông Trần Duy Đông cho biết thêm.