Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen tuyên dương công nhân lao động xuất sắc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Mục tiêu là đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và để tổ chức công đoàn nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong các mối quan hệ chính trị giữa Đảng, chính quyền và công đoàn, đây cũng là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới.
Đề án phấn đấu từ năm 2017 đến năm 2018 hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đặt ra là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.