Tăng trưởng kinh tế cả nước dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế… Cùng đó, tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ với sản phẩm trong nước khi đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, từ đó cản trở tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay. Các vấn đề an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh... luôn thường trực, diễn biến khó lường hơn.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đối với Hà Nội, Thành phố tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương. Những văn bản định hướng dài hạn cho phát triển Thủ đô sẽ được xem xét, ban hành làm căn cứ để Thành phố khai thác nguồn lực và triển khai thực hiện. Nhiều dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành và khai thác. Những nút thắt, bất cập kéo dài, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, được tập trung tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện… sẽ tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Bước vào năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
Thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS, đồng thời quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh.
Dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 có 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4%; giảm 300-400 số hộ nghèo...
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, UBND thành phố nêu cao quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.
Ngoài ra, Thành phố chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa của Trung ương; triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Hà Nội cũng thực hiện bổ sung 900 tỷ đồng vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn... Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, đảm bảo cân đối cung - cầu, nhất là cân đối về xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng...
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Trung tâm xác định việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại là rất quan trọng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
UBND thành phố đang hướng mạnh tới hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 4-5%.
Thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn; kêu gọi đầu tư dự án như chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội (tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm), chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại huyện Mê Linh và 1 dự án outlet.
Cùng với đó, củng cố hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; phấn đấu năm 2024, phát triển thêm 1-2 trung tâm thương mại, 7 - 10 siêu thị, trên 70 cửa hàng tiện lợi; đưa vào hoạt động khai thác 10 chợ và khởi công xây dựng mới 5 chợ trên địa bàn; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các khu mua sắm cho giới giàu và siêu giàu trong nước và quốc tế; phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi (có người bán), chuỗi cửa hàng giao dịch tự động, hệ thống máy bán hàng tự động.
Thành phố sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề; du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; đưa vào khai thác mô hình du lịch cộng đồng chuyên nghiệp; phát triển 2-3 mô hình du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn…; phát triển thêm 1-2 khu vực phố đi bộ gắn với các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề... Thành phố phấn đấu năm 2024 thu hút 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; trong đó, khoảng 3,2 triệu khách có lưu trú; 21 triệu khách du lịch nội địa.
Thành phố thực hiện giải pháp xây dựng, phát triển công nghiệp, xây dựng, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố; phấn đấu thành lập, mở rộng 10-15 cụm công nghiệp. Cùng với đó, hoàn thành Bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã phát triển được ít nhất 1 Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch...
Nỗ lực khắc phục khó khăn và tồn tại, quán triệt những giải pháp tăng tốc, Thủ đô sẵn sàng bước vào năm 2024 với quyết tâm tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.