Chỉ còn 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2023, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp để kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt kết quả cao và tạo đà cho năm 2024.
Những gam màu sáng
Kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục quá trình phục hồi, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định trong thời gian tới. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản tăng 2,2%; sản lượng gỗ khai thác tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa mùa thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm 80.000 tấn và lúa Thu Đông tăng thêm 392.000 tấn.
Về xuất khẩu gạo, từ đầu năm đến hết tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 7,753 triệu tấn gạo, đạt 4,4 tỷ USD, vượt xa năm 2022 (7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỷ USD). Xuất khẩu gạo tăng 16,2% về lượng, nhưng tăng 36,3% về giá trị và khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam trên bản đồ lúa gạo thế giới. Xuất khẩu rau quả cũng đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu rau quả những năm trước đây.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1%.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cả nước có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD, tăng 42,4%. Giải ngân vốn đầu tư công và vốn FDI thực hiện trong 11 tháng giữ vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 75% kế hoạch cả năm, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Điều đó minh chứng các nhà đầu tư nước ngoài luôn tin tưởng môi trường đầu tư an toàn, đầy triển vọng của Việt Nam.
Cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế cũng là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 306,06 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 81,49 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 224,57 tỷ USD, chiếm 73,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD. Trong 11 tháng qua, có tới 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1%).
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước đạt 5,667 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022 và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7%; trong đó, tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp hơn khá nhiều mức lạm phát mục tiêu. Từ đó, tạo cơ sở cho Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra và vốn sản xuất; vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm...
Nỗ lực đạt mức cao nhất
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô. Đặc biệt, ngày 30/11, gạo Ông Cua ST25 của Việt Nam đã đạt giải nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines. Đây là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới trong thời gian tới.
Theo dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều thị trường lớn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng từ các hiệp định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho hay, để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, nhất là đối với thị trường EU, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hoá nông sản, thực phẩm cần chủ động tìm hiểu thông tin, tuân thủ nghiêm các quy định của Hiệp định SPS và điều khoản SPS trong các FTA. Bởi, chỉ sơ suất ở một công đoạn như canh tác, sơ chế, vận chuyển cũng có thể dẫn đến bị khách hàng cảnh báo, đưa vào diện giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí tạm dừng xuất khẩu để khắc phục.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Mega A Logistics cho rằng, tham gia sân chơi quốc tế bắt buộc người nông dân, doanh nghiệp và cả đơn vị vận chuyển đều phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn hàng hoá của thị trường để đáp ứng tốt nhất. Hoạt động logistics cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
“Do đó, ngoài quy trình canh tác, sơ chế, chế biến, các đơn vị xuất khẩu cần lựa chọn đơn vị vận chuyển đáp ứng các điều kiện về đóng hàng, chất lượng container, thời gian vận chuyển tối ưu để tránh các rủi ro trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến chất lượng”, ông Đặng Đình Long nhấn mạnh.
Cùng với những giải pháp cho sản xuất nông nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm cũng đề xuất Chính phủ chú trọng các giải pháp như: thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thu hút FDI; đẩy mạnh chính sách khuyến mại và giảm giá hàng tiêu dùng; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước trong dịp đón năm mới 2024.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuẩn bị và tập trung nguồn hàng, tận dụng tối đa nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào tháng cuối năm của các đối tác thương mại truyền thống và thị trường mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm thiểu tác động của suy giảm tổng cầu thế giới đối với tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm kỳ vọng, với chỉ đạo khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; sự năng động nắm bắt thời cơ của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta năm 2023 sẽ thành công trong nỗ lực đạt mức cao nhất có thể.