Khó khăn đeo đẳng này đã khiến các hợp tác xã chật vật khi mở rộng sản xuất kinh doanh bởi chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, thiếu tài sản đảm bảo... Do đó các chuyên gia cho rằng, việc rà soát, đánh giá tổng thể chính sách tín dụng là rất cần thiết để hoá giải điểm nghẽn vốn tín dụng lâu nay cho hợp tác xã.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng trong khi nhu cầu vốn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất lớn.
Số liệu khảo sát từ trên 300 hợp tác xã cho thấy, có tới 80% hợp tác xã phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao trong thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng. Cùng đó, không ít tổ hợp tác chỉ vay được vốn từ Hội Phụ nữ hay Hội Nông dân nên việc mở rộng và phát triển mô hình vẫn còn nhiều rào cản.
Theo nhận định từ giới phân tích, một phần tồn tại, hạn chế dẫn tới việc khó tiếp cận nguồn vốn do hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ trọng chưa cao; cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu hoặc lạc hậu. Hơn nữa, hầu hết hợp tác xã nhân sự mỏng, không được đào tạo bài bản; năng lực quản trị, điều hành, kiến thức về pháp luật, quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, các hợp tác xã chưa chủ động được đầu ra, phải bán lẻ cho thương lái hoặc chợ đầu mối; chưa tạo được thương hiệu và chuỗi liên kết sản xuất nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả. Từ đó dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn không khả thi, hiệu quả, kém thuyết phục.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Công Bằng Thuận An (Đăk Nông) cho hay: Hiện nay, vốn lưu động của hợp tác xã chủ yếu huy động từ thành viên, còn vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp tác xã vẫn chưa vay được. Lý do vì thiếu tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phức tạp, không phù hợp với quy mô, cấu trúc của hợp tác xã. Điều này đã gia tăng gánh nặng, khiến hợp tác xã khó hoàn thành thủ tục vay vốn.
Tương tự, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù hiện nay có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng kết quả đầu tư tín dụng cho hợp tác xã chưa cao chủ yếu do khả năng đáp ứng về điều kiện vay vốn của phần lớn hợp tác xã còn hạn chế.
Vì vậy, tới đây các ngân hàng sẽ nghiên cứu, phát triển sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động của hợp tác xã để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mặt khác, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù như: xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai khi hợp tác xã có dự án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi, hiệu quả.
Theo ông Trần Văn Phiệt, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rất rõ việc cho vay đối với hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã thủy sản, nông nghiệp, hợp tác xã sản xuất muối… được vay từ 1-3 tỷ đồng/hợp tác xã và vay không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa hợp tác xã nào được tiếp cận vốn từ với những nội dung hỗ trợ này.
Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho vay khoảng 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Chỉ ra khó khăn trong việc hấp thụ vốn tín dụng, ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã, hầu hết hợp tác xã khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do thường không có tài sản bảo đảm. Năng lực tài chính của hợp tác xã còn yếu, trong khi vay vốn đòi hỏi phải có nguồn vốn tự có từ 20 - 30% vốn đầu tư của dự án. Hơn nữa, nhiều hợp tác xã chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn...
Do vậy, hợp tác xã cần chú trọng kế toán công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên hợp tác xã và các đối tác.
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, ông Tạ Viết Hùng- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì kiến nghị: Cần xây dựng cơ chế đặc thù phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước. Mặt khác, cắt giảm điều kiện, thủ tục không cần thiết khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn ưu đãi và phương án thế chấp tài sản hình hành từ vốn vay; thời gian vay vốn dài để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, việc giải quyết bài toán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ manh mún bằng cách hợp tác xã cần tích cực tham gia vào chuỗi giá trị để phát huy tối đa khả năng, tiềm năng của từng hợp tác xã nhằm tạo ra gía trị tốt nhất và tối ưu hoá lợi nhuận thành viên. Đặc biệt các Quỹ tín dụng quỹ hỗ trợ, hệ thống ngân hàng cũng phải tham gia vào chuỗi giá trị này. Đây cũng là một mắt xích rất quan trọng trong cung ứng vốn kịp thời khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn cải tiến công nghệ hay mở rộng quy mô sản xuất.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ rà soát, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động, quản trị thành viên hợp tác xã. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư từ phía các ngân hàng thương mại. Bà Thu Vân kỳ vọng hợp tác xã hoạt động hiệu quả được nhìn nhận đúng thế mạnh trong tiếp cận nguồn vốn. Từ đó, tổ chức triển khai thí điểm gói tín dụng, chương trình ưu đãi cho hợp tác xã, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư tín dụng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.