Dự kiến, sau khi khai thác khoảng 1-2 tháng, hai dự án này sẽ chính thức thu phí để thu hồi vốn đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hai dự án được thông xe và đưa vào khai thác chính thức sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội và các địa phương là Hoà Bình, Phú Thọ.
“Mặc dù thời gian qua vấn đề BOT giao thông có xảy ra một số vấn đề bất cập, nhưng với hai dự án khánh thành ngày hôm nay hoàn toàn khác, khi được đầu tư làm tuyến đường mới song song với các tuyến đường cũ, người dân có quyền lựa chọn để đi. Do đó, tôi tin tưởng dự án này sẽ tạo được đồng thuận của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 36 (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ Hoà Lạc-Hoà Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hoà Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội. Đồng thời, tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng. Tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20km so với đi trên tuyến Quốc lộ 6 hiện nay.
Đường Hoà Lạc - Hoà Bình có điểm đầu tại Km 0 tại nút giao Hoà Lạc (giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, lý trình Km 17+850 trên Quốc lộ 21), điểm đầu xây dựng tại Km6+680 vị trí tách đường Hoà Lạc-Làng Văn hoá. Điểm cuối tại Km 32+367 (xã Trung Minh, Tp. Hoà Bình). Tuyến đường có tổng chiều dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80km/giờ.
Mức phí dự kiến dao động từ 35.000 đồng/lượt/xe đến 180.000 đồng/lượt tuỳ theo nhóm phương tiện và có phương án cắt giảm cho người dân thường trú quanh trạm. Dự kiến dự án sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 10 và có thể bắt đầu thu phí từ ngày 1/1/2019.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C nhằm nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận cũng chính thức được thông xe và đưa vào khai thác.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty BOT Phú Hà (doanh nghiệp dự án) cho biết, sau khi đưa cầu Văn Lang vào khai thác, sử dụng, phương tiện từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 20km so với các tuyến đường hiện nay. Cùng đó, người dân Việt Trì (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) qua lại sẽ không còn phải sang đò, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Dự án cầu Văn Lang có điểm đầu (phía Hà Nội) kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, Tp. Việt Trì.
Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km; trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.
Dự kiến, dự án này sẽ bắt đầu thu phí từ đầu tháng 12/2018 với mức phí đối với xe tiêu chuẩn là 35.000 đồng/xe/lượt, thời gian thu phí khoảng 20 năm.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây dựng cầu Văn Lang được xây dựng sẽ giúp giao thông giữa tỉnh Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội thêm thuận lợi. Đặc biệt, dự án sẽ giúp khai thác tiềm năng du lịch dịch vụ; mở rộng, lan tỏa vùng động lực của Hà Nội với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ của khu vực.