Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đối với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng thống nhất lại về việc thay đổi một số hạng mục trong dự án này để không làm ảnh hưởng đến các chỉ số phải thay đổi chủ trương đầu tư. Về dự án Bảo Lộc – Liên Khương, theo Phó Thủ tướng chỉ cần điều chỉnh tăng vốn lên 49,5%, điều chỉnh lại thiết kế trạm dừng nghỉ sẽ dễ thu hút nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, các ngân hàng, nhà đầu tư cần nghiên cứu để có văn bản tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan để triển khai dự án; hình thành các liên danh ngân hàng để đơn giản hóa trong vấn đề tài trợ vốn cho nhà đầu tư dự án cao tốc.
Về việc hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất triển khai đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ động nghiên cứu, tối ưu hướng tuyến cho cao tốc Nha Trang – Đà Lạt. Về mặt pháp lý sẽ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ và sớm cáo cáo Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Phó Thủ tướng giao tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về thời gian thực tế khi thi công nhằm giúp dự án khi triển khai sẽ đúng tiến độ, đạt hiệu quả đầu tư hơn.
Dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt có tổng chiều dài khoảng 81,5km, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, qua địa phận Lâm Đồng khoảng 37,5km. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án dự kiến khoảng hơn 17.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã báo cáo với Đoàn công tác sơ bộ về tình hình triển khai hai dự án cao tốc trên địa bàn, gồm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, chiều dài 66km, tổng mức đầu tư khoảng 17.200 tỷ đồng. Trong số đó phần vốn nhà nước là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư và vốn huy động khác khoảng 10.700 tỷ đồng.
Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư thông qua các Nghị quyết từ năm 2022 và 2024. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư và vốn huy động khác khoảng 11.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả hai dự án hiện nay gặp một số khó khăn về vấn đề nguồn vốn nhà nước tham gia dự án còn thấp (chưa đạt 50%) nên tính khả thi không cao, giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng cho vay vốn. Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung vốn ngân sách nhà nước cho 2 dự án đường cao tốc 3.332 tỷ đồng (Tân Phú - Bảo Lộc là 2.410 tỷ đồng và Bảo Lộc - Liên Khương là 922 tỷ đồng). Đồng thời, cho phép dự án Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm theo quy định theo Luật PPP.
Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận điều chỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng cho dự án để bố trí cho UBND tỉnh Đồng Nai 420 tỷ đồng (để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và Lâm Đồng 1.580 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép kéo dài nguồn vốn này qua giai đoạn trung hạn 2026-2030 để làm cơ sở thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao các Bộ ngành trung ương nghiên cứu, hướng dẫn địa phương tháo gỡ một số khó khăn theo hướng đơn giản hóa thủ tục để địa phương tập trung hoàn thiện, trình lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc theo ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành quốc gia.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, đại diện nhà đầu tư cũng cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nhằm quyết tâm thực hiện 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập Đoàn Đèo Cả, đơn vị vẫn rất quyết tâm thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và sẽ áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án. Cụ thể, bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu… nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện cho dự án.
Đối với vướng mắc thực hiện hai dự án cao tốc và xây dựng khu dân cư tái định cư phục vụ cao tốc chồng lấn với Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì trữ lượng khoáng sản trên diện tích chồng lấn là không lớn (Tân Phú - Bảo Lộc là 224 ha, Bảo Lộc - Liên Khương là 1,8 ha).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, vướng mắc do chồng lấn với quy hoạch khoáng sản khi thực hiện dự án cao tốc cũng không quá phức tạp. Bởi khu vực bị chồng lấn hầu như là quặng bô-xít, loại khoáng sản không quá quý hiếm nên Bộ quyết định không thu hồi khoáng sản để tiến hành công trình bình thường, đảm bảo đúng tiến độ.
Đối với khó khăn trong việc xác định bãi đổ thải đất thừa công trình, quan trọng là địa phương lựa chọn được vị trí để có chỗ đổ chất thải (đất, đá) thừa từ dự án. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo các quy định về đánh giá tác động môi trường, bởi dự kiến lượng chất thải dư thừa khoảng 18 triệu m3 là rất lớn.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định quyết tâm, nỗ lực lớn trong thực hiện các nhiệm vụ triển khai 2 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 140 km để hưởng ứng đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Theo đó, giai đoạn 1 là 140 ngày đêm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất thủ tục đầu tư; giai đoạn 2 là 360 ngày đêm tiến hành thi công và thông tuyến với tinh thần "thần tốc vì cao tốc", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" trong triển khai thực hiện các dự án cao tốc trên địa bàn.