Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan điều phối chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và thực hiện quản lý các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước rất trách nhiệm khi tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch; trong đó có những doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, những chương trình đã triển khai trong thời gian qua là Chương trình cho vay nhà ở xã hội năm 2012 với gói 30.000 tỷ đồng đã được triển khai, đến năm 2016, kết thúc chương trình với doanh số cho vay là trên 29.000 tỷ đồng. Hiện nay, gói này còn dư nợ khoảng 7.200 tỷ đồng.
“Đây là chương trình rất thành công, giúp cho người thu nhập thấp có nhà ở”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Bên cạnh đó là chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với nhiều quy định về phát triển nhà ở xã hội; vay vốn ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội;… cho vay đối với những người mua nhà được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, qua tổ chức tín dụng. Đối với chủ đầu tư, theo Nghị định 100 được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, đến nay, ngân sách được bố trí để cấp bù lãi suất qua Nghị định này chưa bố trí được. Vì vậy, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai được. Khi có ngân sách cấp bù thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được của người dân.
Theo Thống đốc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chính phủ ban Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, có các gói để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.
Tuy nhiên, trong Nghị quyết 11, có một nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại trong năm 2022-2023 với tổng số tiền lãi suất hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đến nay, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành, quy trình, thủ tục cho vay.
“Về vốn có thể huy động trong cả người dân để cho vay, lãi suất 2% có thể triển khai trong năm 2022, nếu như chúng ta có các dự án triển khai có thể tận dụng được trong năm 2022-2023”, Thống đốc nhấn mạnh về tầm quan trọng của vốn, lãi suất.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp,… để tổng hợp, bổ sung nhu cầu vay vốn làm căn cứ cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện giải ngân theo kế hoạch Thủ tướng giao.
Cùng với đó, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tạo nguồn cung, hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua, trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai, cho vay theo quy định.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín cũng cho biết, sẵn sàng tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội và đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để cùng tham gia.