Thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì sản lượng nghêu giảm mạnh

Nhiều hợp tác xã nuôi nghêu ở Trà Vinh đang bị thua lỗ nặng do sản lượng thu hoạch giảm mạnh; trong đó, có hợp tác xã giảm đến 89% sản lượng so với dự kiến.

Chú thích ảnh
Nghêu chết tại bãi nuôi của Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã nuôi nghêu Long Thành, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, hợp tác xã được thành lập năm 2021, có 101 thành viên sản xuất trên diện tích 40 ha. Vụ sản xuất này, hợp tác xã đầu tư tổng nguồn vốn khoảng 4,5 tỷ đồng; theo kế hoạch, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 400 tấn nhưng hợp tác xã chỉ thu được 74 tấn, do nghêu chết, chậm lớn và bị trôi đi nơi khác theo dòng chảy. Do mất đến 80% sản lượng nên hợp tác xã bị thất thu khoảng 6,5 tỷ đồng. Vì vậy, hơn 100 hộ thành viên nuôi nghêu của hợp tác xã bị thua lỗ gần 4 tỷ đồng chi phí đầu tư sau gần 2 năm thả giống.

Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, qua khảo sát của ngành nông nghiệp, 11 hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh đều bị giảm năng suất; trong đó, có 4 hợp tác xã bị thiệt hại nặng nề, năng suất giảm từ 50-89%. Nếu tính theo giá nghêu 20.000 đồng/kg như hiện nay, 4 hợp tác xã này bị thất thu tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Ngoài Hợp tác xã Long Thành, 3 hợp tác xã bị thiệt hại nặng là Hợp tác xã Tiến Thành, xã Long Hòa, huyện Châu Thành bị thiệt hại 63% sản lượng, tương đương 300 tấn, thất thu 6 tỷ đồng. Hợp tác xã Thành Công, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang thiệt hại 50% sản lượng (khoảng 123 tấn), thất thu 2,4 tỷ đồng. Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang thiệt hại 89% sản lượng (trên 256 tấn), thất thu 5 tỷ đồng.

Ngành chuyên môn nhận định, sản lượng thu hoạch nghêu giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Từ năm 2022 đến nay, hàng năm, nước ngọt về sớm và kéo dài hơn 1,5 - 2 tháng so với những năm trước nên nghêu chậm lớn, chậm đạt kích cỡ thu hoạch, hoặc bị suy giảm sức đề kháng dẫn đến nghêu chết. Bên cạnh đó, một số bãi bồi nuôi nghêu bị thay đổi, di dời do dòng chảy nên nghêu bị trôi dạt đi nơi khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang theo dõi, tìm giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi nghêu khắc phục tình trạng trên.

Trà Vinh có 65 km chiều dài bờ biển, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi nghêu ở các bãi bồi ven biển và vùng cửa sông lớn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 800 ha nuôi nghêu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nghêu của tỉnh luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với những nguyên nhân khiến nghêu nuôi giảm năng suất, nghề nuôi nghêu còn gặp khó do thị trường tiêu thụ thiếu bền vững, chủ yếu nông dân bán nghêu cho thương lái nên giá cả không ổn định, liên tục giảm giá nhiều năm nay.

Thanh Hòa (TTXVN)
Nâng giá trị cho nghêu thương phẩm
Nâng giá trị cho nghêu thương phẩm

Nghề nuôi nghêu tại ven biển Gò Công ở tỉnh Tiền Giang phát triển nhiều năm nay đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân khu vực biển cũng như tạo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN