Sau khi để mất 2% trong tuần trước nữa do nhà đầu tư lo ngại
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm chấm dứt các biện pháp kích
thích kinh tế Mỹ, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE3),
trước những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới
đang phục hồi vững chắc, giá vàng đã tăng trở lại trong phiên đầu tuần
qua (9/12). Hỗ trợ cho giá vàng phiên này là việc đồng USD quay đầu giảm
giá cùng nỗi e ngại của thị trường về số phận của gói QE3.
Trong phiên 10/12 tiếp theo, giá vàng tiếp tục tăng lên các mức cao
nhất trong ba tuần qua trên tất cả các thị trường, trong đó mức đỉnh
trong ba tháng là 1.267,26 USD/ounce được xác lập trong phiên này. Đây
là mức cao nhất của giá vàng kể từ ngày 20/11/2013. Tính chung trong 2
phiên đầu tuần, cùng với phiên cuối tuần trước nữa, giá vàng đã tăng
được thêm hơn 3% - mức tăng trong 3 ngày cao nhất kể từ ngày 17/10.
Theo các nhà giao dịch, giá vàng được đẩy lên trong ba phiên
này, ngoài việc đồng bạc xanh yếu đi, đồng euro tăng lên mức cao nhất
trong 6 tuần so với đồng USD (khiến vàng trở nên rẻ hơn), còn nhờ vào
hoạt động mua vào của một số quỹ trước thềm cuộc họp chính sách của FED
vào tuần tới. Chuyên gia Axel Merk, thuộc Merk Funds, nhận định các nhà
đầu tư ngày càng chắc chắn về khả năng FED sẽ rút dần chương trình mua
trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, FED đồng thời cũng có thể
sẽ tăng lãi suất và nhờ vậy, giá vàng vẫn sẽ được hưởng lợi trong môi
trường lạm phát cao hơn. Hỗ trợ cho giá vàng trong các phiên này còn là
thông tin cho biết tỷ lệ lạm phát trong tháng 11/2013 của Trung Quốc đã
tăng chậm lại, giúp xoa dịu những lo ngại về việc Bắc Kinh có thể thắt
chặt chính sách tiền tệ và qua đó hỗ trợ cho giá vàng. Một thông tin
mang tính hỗ trợ khác là sản lượng vàng của Nga trong 10 tháng đầu năm
nay đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong
phiên 11/12, giá vàng đã quay đầu giảm trong bối cảnh hai đảng tại Quốc
hội Mỹ đạt được thỏa hiệp về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014,
càng củng cố cho đồn đoán FED sẽ sớm rút lại chương trình mua trái
phiếu 85 tỷ USD/tháng.
Giá vàng tiếp tục lao dốc hơn 2%
trong phiên 12/12 - phiên sụt giảm lớn nhất kể từ ngày 1/10 vừa qua, sau
khi số liệu chính thức mới nhất cho biết doanh thu bán lẻ tại Mỹ trong
tháng 11 đã tăng 0,7%, vượt mức dự báo 0,6% của các nhà phân tích. Con
số mới nhất này đã góp thêm một gam màu tươi sáng nữa vào bức tranh vốn
đã rất sáng sủa của nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây, đồng thời càng làm
tăng thêm đồn đoán về khả năng FED sẽ sớm cắt giảm QE3, có thể là ngay
trong tháng 12 này. Với phiên lao dốc này, kim loại quý đã để mất gần
như toàn bộ mức tăng trong các phiên đầu tuần.
Tuy nhiên,
sau phiên rớt thảm bất ngờ trên, giá vàng đã phục hồi ngay trong phiên
tiếp theo 13/12, lấy lại được 1% giá trị, chủ yếu do làn sóng bắt đáy
mua vào của nhà đầu tư sau khi giá vàng đã có hai phiên liên tiếp đi
xuống.
Đóng cửa phiên cuối tuần 14/12, giá vàng giao ngay
tăng 1,1% lên 1.237 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giao tháng
2/2014 cũng tăng 9,70 USD lên 1.234,60 USD/ounce.
Tính chung
cả tuần, giá vàng tăng được gần 1% còn tính từ đầu năm, vàng vẫn để mất
26% giá trị và đang hướng tới năm đầu tiên mất giá trong vòng 13 năm
trở lại đây.
Dù phục hồi trong phiên cuối tuần, song theo các
nhà phân tích, thị trường vàng vẫn hiện vẫn rất dễ bị tổn thương và có
xu hướng tiếp tục mất giá khi trước mắt, số phận của gói QE3 vẫn còn
phải chờ đến cuộc họp vào hai ngày 17-18/12 tới đây của FED mới được ngã
ngũ.
Nhà đầu tư, được hậu thuẫn từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ
nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung, đang rút dần tiền ra khỏi vàng để
đổ vào các kênh đầu tư tài sản rủi ro hơn nhưng lợi nhuận lớn hơn như
chứng khoán.
Thùy Chi (Theo Reuters)