Hòa theo diễn biến bấp bênh của kinh tế Mỹ, thị trường vàng cũng xoay chiều lên xuống thất thường trong tuần qua.
Giá vàng có một phiên giao dịch khá trầm lắng vào đầu tuần (ngày 21/10), trước sự "thờ ơ" của các nhà đầu tư, trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo về tình hình việc làm trong tháng 9/2013. Một thông tin khác đẩy các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường là thống kê của quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 10,51 tấn xuống 871,72 tấn tính đến ngày 21/10, ghi dấu mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 7/2013.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch liền sau đó (ngày 22/10), giá vàng tại thị trường Mỹ đảo chiều tăng hơn 2%, lên mức cao nhất trong 4 tuần qua, sau khi đón nhận số liệu việc làm đáng thất vọng trong tháng 9/2013. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm được 149.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn mức dự báo từ 150.000-200.000 việc làm.
Các chuyên gia cho rằng tín hiệu không khả quan về thị trường việc làm Mỹ cho thấy đà phục hồi của kinh tế nước này đã yếu đi từ trước khi xảy ra bế tắc về ngân sách. Điều này có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa vội rút dần chương trình kích thích kinh tế, nhân tố hỗ trợ giá vàng.
Dù vậy, đà tăng ngắn ngủi của giá vàng không kéo dài được sang ngày 23/10, do các nhà đầu tư đua nhau bán tháo vàng để chốt lời, sau khi giá kim loại quý này “vọt” tăng mạnh vào phiên trước đó. Đồng thời, tác động từ báo cáo không mấy lạc quan về số lượng việc làm khu vực phi nông nghiệp của Mỹ và xu hướng giảm của thị trường dầu mỏ cũng đè nặng lên giá vàng. Song thị trường vàng đã ngay lập tức khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch kế tiếp, khi tăng tới 1% và phá vỡ mốc 1.350 USD/ounce, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư với hy vọng rằng FED sẽ tiếp tục duy trì gói QE3 chừng nào kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục bất ổn.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/10, giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng, dù với biên độ hẹp, do sự xuất hiện thêm của một vài số liệu tiêu cực trong bức tranh kinh tế Mỹ, qua đó càng dấy lên đồn đoán về khả năng FED sẽ kéo dài chương trình kích thích kinh tế hiện hành tới năm 2014. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng 10/2013 của nước này đã giảm xuống 73,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012 và thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia phân tích là 74,8 điểm. Số liệu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Bộ này thông báo rằng cán cân xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 8 vừa qua bị thâm hụt chút ít do khối lượng nhập khẩu dầu thô và xe ô tô giảm.
Cụ thể, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong tháng 8 đạt 189,2 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 7. Trong khi đó, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 228 tỷ USD, không thay đổi so với tháng 7. Như vậy, mức chênh lệch xuất nhập khẩu trong tháng 8 là 38,8 tỷ USD, tăng chút ít so với 38,64 tỷ USD trong tháng 7, nhưng thấp hơn mức dự kiến 39,5 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế. Chốt phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 12/2013 tăng nhẹ 2,2 USD (0,2%), lên 1.352,40 USD/ounce.
Minh Trang (Tổng hợp)