Nhìn lại diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 có thể thấy sự chuyển biến lớn tích cực đang diễn ra. Sau khi một số doanh nghiệp vi phạm về phát hành trái phiếu bị truy tố trong năm 2022, thị trường này gần như đóng băng trong quý IV/2022 và quý I/2023, chỉ bắt đầu sôi động trở lại từ tháng 6/2023 đến nay.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn duy trì khá tích cực trong tháng 12/2023.
Số liệu được công bố đến ngày 22/12/2023, có 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 16.481 tỷ đồng, giảm 54,1% so với tháng trước đó, nhưng vẫn cao gấp gần 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt khoảng 249,21 nghìn tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 12/2023, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lớn nhất, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 13.218 tỷ đồng, chiếm gần 81% tổng giá trị phát hành. Theo sau là nhóm bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng giá trị phát hành.
Trước đó, tháng 11, có 27 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 27.468 tỷ đồng, kỳ hạn trung bình là 5,64%/năm và lãi suất trung bình là 8,6%/năm. Con số này tuy giảm so với tháng trước, nhưng lại gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ tháng 11/2022.
Quan sát xu hướng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lượng phát hành gần như đứng lại từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm nay, sau khi những vi phạm tại Vạn Thịnh Phát liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bị phanh phui vào tháng 9 năm 2022.
Trong năm nay, thực tế hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc từ tháng 6, sau khi có Nghị định 08/2023 ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành).
Theo đó, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân mỗi tháng từ đó đến nay duy trì trong khoảng 25.000 - 35.000 tỷ đồng/tháng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Hoàng Dương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Cùng với các phiên phát hành mới sôi động hơn giúp nguồn vốn doanh nghiệp được củng cố, Nghị định 08 cũng mở lối cho các doanh nghiệp đàm phán với các nhà đầu tư thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu, giảm bớt áp lực thanh toán trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.
Trong số các chính sách đó, việc Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08; trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.
Theo thống kê mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính đến ngày 27/11 đã có khoảng 64 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ, với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là hơn 111.000 tỷ đồng.
Các tổ chức phát hành cũng giảm bớt áp lực phải mua lại trước hạn. Theo đó, trong tháng 11 vừa qua các doanh nghiệp chỉ mua lại trước hạn lượng trái phiếu 8.754 tỷ đồng, giảm mạnh 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), các doanh nghiệp đã mua lại 7.263 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu tháng 12, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, việc giảm áp lực mua lại trái phiếu trước hạn có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 12 nói riêng và giai đoạn năm 2024-2025 vẫn rất lớn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn.
Có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.
Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
Cùng đó, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường; thực hiện việc tuyên truyền, cảnh báo rủi ro trên thị trường với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức trung gian tài chính.