Thị trường snack: Món ăn vặt gần 1 tỉ USD của người Việt

Theo công ty nghiên cứu Nielse, snack là sản phẩm đang được người tiêu dùng trên toàn cầu rất ưa chuộng. Chỉ trong năm 2017, lĩnh vực này đã tăng gần 3,4 tỷ USD trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dự kiến năm 2020, ước tính quy mô thị trường snack sẽ tăng khoảng 1 tỷ USD.

Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị phần

Tuy nhiên, việc đứng đầu “món ăn vặt” này tại Việt Nam lại không thuộc về doanh nghiệp nội mà là các doanh nghiệp ngoại. Chỉ trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, đã có nhiều doanh nghiệp ngoại tìm kiếm và đầu tư snack tại Việt Nam.

 Món khoai tây chiên của Bỉ được UNESCO chứng nhận là Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: M.V.R

Có thể thấy, các nhà xuất khẩu khoai tây chiên Bỉ hiện nay đang tìm kiếm thị phần ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, Bỉ là nơi có nền văn hóa khoai tây chiên lâu đời và mới đây vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Hoàng tử Bỉ - Laurent chứng nhận.


Bởi tại nước Bỉ, đi đâu mọi người cũng có thể dễ dàng tìm thấy các cửa hàng khoai tây chiên, từ khắp các ngôi làng đến thành phố của Bỉ. Chính vì vậy, việc công nhân di sản văn hóa phi vật thể cũng là bước đầu để khoai tây chiên Bỉ tiến tới sự chứng nhận của UNESCO, đồng thời là bước tiến để các nhà xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ hướng đến thị trường Đông Nam Á.


Tại Việt Nam, người tiêu dùng đã biết đến tên tuổi một số thương hiệu khoai tây chiên của Bỉ như Agristo, công ty Bart’s Potato, Clarebout Potatoes, Ecofrost and Mydibel, đại diện 5 tập đoàn gia đình lớn nhất tại Bỉ.


Ông Romain Cools, Tổng thư ký của Belgapom của Bỉ xác nhận, năm 2017 là “năm ra mắt” của khoai tây chiên Bỉ tại khu vực Đông Nam Á và tìm kiếm cơ hội để mở rộng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam là thị trường mà các doanh nghiệp không thể bỏ lỡ để tìm kiếm thị phần.


Không trên đường tìm kiếm như Bỉ mà Công ty TNHH Koike-ya Việt Nam (Nhật ) đã bắt đầu xây nhà máy sản xuất bánh snack tại tỉnh Đồng Nai với quy mô vốn 8,7 triệu USD, công suất 4.200 tấn sản phẩm/năm vào tháng 3/2016.


Đến tháng 10/2017, sản phẩm bánh snack thương hiệu Karamucho mới bắt đầu được bán ra. Đây là ông lớn đầu ngành snack của Nhật, có mặt ở nhiều thị trường khác như Mỹ, Đài Loan, Canada, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc,... Tuy nhiên, Việt Nam là điểm sản xuất nước ngoài đầu tiên của  Koike-ya Việt Nam. Ông Kenji Mikami, Tổng giám đốc Koikeya Việt Nam đặt kỳ vọng, doanh số phân khúc snack vị cay sẽ đạt 200 tỉ đồng trong vòng 3 năm tới.


Thị trường snack Việt Nam ngày nay cũng khá "chật chội" với nhiều thương hiệu nước ngoài khác như Oshi của Liwayway (Philippines), Poca của PepsiCo, O’Star của Orion (Hàn Quốc).


Với thương hiệu Việt, sản phẩm snack có thể kể đến thương hiệu Kinh Đô với món snack cua và khoai tây chiên Slice (dạng hộp hình trụ). Tuy nhiên, sản phẩm snack của Kinh Đô đã bán lại cho Mondelez. Nhiều sản phẩm snack thương hiệu Việt cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Thái Lan “ngắm nghía” để thâu tóm thị phần.


Thị trường nhiều tiềm năng


Công Nielse cũng chỉ ra rằng, thị trường snack rất nhiều tiềm năng và tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ thức ăn nhẹ được thúc đẩy bởi việc các nhà sản xuất nội địa cung cấp mức giá vừa phải để thu hút người tiêu dùng.

Món ăn vặt snack được người tiêu dùng trên toàn cầu ưa dùng. Ảnh: M.V.R

"Các bạn trẻ trong độ tuổi 15-23 đang ăn vặt suốt cả ngày", báo cáo mới đây của Decision Lab đã nhận định như vậy về xu hướng ra ngoài ăn vặt của giới trẻ hiện nay.


Đáng chú ý, thị trường ăn vặt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào xu hướng thay đổi cách chi tiêu ở nhóm giới trẻ, nhờ thu nhập bình quân người việt tăng lên, cuộc sống thay đổi theo lối công nghiệp, giới trẻ tiêu dùng nhiều hơn và chuyện ăn vặt trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi buổi gặp nhau.


Định dạng thị trường snack nhìn chung có thể chia làm 3 loại sản phẩm chính, được phân loại theo nguyên liệu chế biến, bao gồm khoai tây, các loại hạt và snack chế biến từ thực phẩm nói chung (đa phần làm từ các loại trái cây, thực phẩm).


Mức giá cũng phủ kín phân khúc từ thấp đến cao, từ hơn 5.000 đồng/gói cho đến trên 20.000 đồng/gói, cá biệt còn có những loại nhập khẩu với mức giá đến 40.000 đồng/gói. Các sản phẩm chế biến có lợi thế là rất đa dạng, dường như những gì chế biến được đều có thể làm thành bánh snack. Chẳng hạn, danh mục sản phẩm của Oishi còn giới thiệu cả bí đỏ hay cà chua, trong khi sản phẩm từ Hàn Quốc thường là thủy hải sản.


Theo thống kê của Savory Snacks Market in Vietnam Databook to 2020, quy mô thị trường bánh snack tại Việt Nam ước khoảng 518 triệu USD vào năm 2015 và dự kiến đến năm 2020, con số này có thể tăng lên gấp đôi là khoảng 1 tỷ USD.


Nếu tính bình quân với con số ước lượng về tăng trưởng, quy mô thị trường snack năm 2017 có thể đạt đến mức 700 triệu USD. Con số này thực tế còn có thể lớn hơn nhiều nếu nhìn vào cách mà các nhà đầu tư tăng tốc tại đây.


Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đến Hàn Quốc
Những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đến Hàn Quốc

Gần đây, nhiều bạn trẻ lựa chọn hình thức du lịch "free and easy" để trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Một trong những trải nghiệm mà khách du lịch lựa chọn là các món ăn vặt đường phố tại Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN